Mỹ chi 1,9 tỷ USD để loại thiết bị Trung Quốc khỏi mạng lưới viễn thông

21/12/2020 17:41 GMT+7
Các nhà lập pháp Mỹ dự kiến sẽ tài trợ 1,9 tỷ USD cho chương trình loại bỏ thiết bị mạng viễn thông từ các nhà cung cấp mà chính phủ cho rằng có nguy cơ gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Số tiền này nằm trong dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Ngoài số tiền 1,9 tỷ USD để loại bỏ các thiết bị, linh kiện mạng gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia; các nhà lập pháp Mỹ dự kiến cũng sẽ hỗ trợ 3,2 tỷ USD để cung cấp khả năng tiếp cận băng thông rộng cho người Mỹ có thu nhập thấp. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer cho hay chương trình này sẽ giúp hàng triệu sinh viên, hộ gia đình và công nhân thất nghiệp có đủ tiền để sử dụng băng thông trong bối cảnh đại dịch.

Mỹ chi 1,9 tỷ USD để loại thiết bị Trung Quốc khỏi mạng lưới viễn thông - Ảnh 1.

Mỹ chi 1,9 tỷ USD để loại thiết bị từ hai nhà cung cấp Trung Quốc là Huawei và ZTE khỏi mạng lưới viễn thông

Hồi tháng 6, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC đã chính thức chỉ định hai nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ. Theo chỉ định mới nhất của Ủy ban Viễn thông Liên bang, các công ty công nghệ Mỹ sẽ không được phép sử dụng số tiền từ quỹ trợ cấp trị giá 8,3 tỷ USD hàng năm của FCC để mua bất kỳ thiết bị hoặc dịch vụ nào từ hai nhà cung cấp Trung Quốc là Huawei và ZTE. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức kể từ thời điểm ban hành là 30/6.

Sau đó, ZTE và Huawei đã gửi kiến nghị yêu cầu FCC xem xét lại cáo buộc chỉ định doanh nghiệp này gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ. Nhưng đến nay, kiến nghị đã bị FCC chính thức bác bỏ. 

FCC trong tháng này đã hoàn thiện loạt quy tắc liên quan đến thiết bị từ hai nhà cung cấp là Huawei và ZTE. Trong đó, cơ quan này yêu cầu thay thế và loại bỏ bắt buộc mọi linh kiện mạng từ hai công ty Trung Quốc này ra khỏi hệ thống mạng quốc gia. Mike Rogers, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện nhấn mạnh: “Một khi chúng ta tiến hành xong quá trình thay thế đó, chúng ta sẽ giải quyết được các rủi ro ngầm của mạng 5G thế hệ mới”.

Huawei sau đó lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về phán quyết của FCC: “Động thái này sẽ khiến các công dân Mỹ ở những vùng nông thôn gặp trở ngại lớn trong việc tiếp cận dịch vụ mạng, nhất là trong thời kỳ đại dịch, khi mà thông tin liên lạc đáng tin cậy là vô cùng cần thiết”.

Hai chương trình tài trợ khẩn cấp với tổng trị giá 5,1 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua chính là phản ứng mới nhất của các nhà lập pháp để ngăn cho người dân Mỹ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi đang phụ thuộc chủ yếu vào thiết bị mạng giá rẻ từ các công ty Trung Quốc, khỏi nguy cơ gián đoạn liên lạc. 

Nguồn tin của Reuters cho hay chương trình này sẽ bao gồm khoản trợ cấp 50 USD mỗi tháng để các hộ gia đình có điều kiện sử dụng dịch vụ băng thông và thiết bị kết nối Internet. Nó cũng tài trợ cho các cơ sở giáo dục ở các vùng xa xôi tại nước Mỹ nhằm mở rộng năng lực giáo dục thông qua sử dụng kết nối băng thông rộng trong trường học và các cộng đồng dân cư xung quanh.

ZTE, công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, đối thủ của Huawei tại thị trường nội địa đã bị cắt quyền truy cập vào thị trường Mỹ hồi năm 2018 sau khi chính phủ Mỹ phát hiện ra công ty này làm ăn với Iran bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế của Nhà Trắng. ZTE sau đó đồng ý trả khoản tiền phạt 1,4 tỷ USD để Tổng thống Mỹ chỉ đạo Bộ Thương mại dỡ bỏ lệnh cấm, qua đó cứu doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản.

Còn gã khổng lồ viễn thông Huawei hiện được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ 5G. Công ty này bị cuốn vào chiến tranh thương mại Mỹ Trung, và bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen từ tháng 5/2019. Kể từ đó đến nay, chính quyền Trump đã nỗ lực kêu gọi đồng minh cấm cửa Huawei, viện dẫn nhưng cáo buộc rủi ro an ninh quốc gia mà công ty này có thể mang lại.


NTTD
Cùng chuyên mục