Mỹ cho Trung Quốc một tháng để chốt thỏa thuận thương mại
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 10/5, các quan chức phía Mỹ nói với trưởng đoàn Trung Quốc rằng họ có 3 hoặc 4 tuần để đồng ý với một thỏa thuận hoặc bị áp thuế 25% với 325 tỷ USD hàng hóa xuất sang Mỹ, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
325 tỷ USD là giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ chưa bị vướng vào cuộc chiến thương mại. Washington trước đó đã áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump nói đã bắt đầu quy trình xem xét áp thuế. Thông tin cụ thể dự kiến được văn phòng đại diện thương mại Mỹ công bố ngày 13/5.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại vòng thứ 11 tại Washington trong hai ngày 9 – 10/5. Theo các nguồn tin, lời cảnh báo trên được đưa ra do Trung Quốc không có nhượng bộ ý nghĩa nào trong hai ngày thương lượng.
Các thị trường tài chính trên thế giới đều theo dõi sát sao diễn biến đàm phán Mỹ - Trung. Phố Wall đã tăng điểm trong phiên 10/5 khi hai bên đều nói đàm phán diễn ra “khá tốt”.
“Mối quan hệ giữa tôi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất mạnh mẽ. Các cuộc thương lượng sẽ tiếp tục trong tương lai”, ông Trump nói. Tuy nhiên, theo một nguồn thạo tin, hiện chưa có kế hoạch cho vòng đàm phán kế tiếp.
Trả lời kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, ông Lưu nói hai bên nhất trí tiếp tục thương lượng bất chấp “một số sự phản đối và xao nhãng tạm thời”, sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh. Ông bác tin đàm phán đổ bể.
“Việc có thăng trầm trong thương lượng là hoàn toàn bình thường. Đó là điều không thể tránh khỏi”.
“Vì lợi ích của người dân Trung Quốc, người dân Mỹ và thế giới, chúng tôi sẽ giải quyết một cách hop lý”, ông Lưu cho biết thêm. “Trung Quốc, cũng như người dân Trung Quốc không e sợ” và “Trung Quốc cần một thỏa thuận hợp tác bình đẳng, tôn trọng”.
Trong bài bình luận đăng sáng nay, Xinhua cho biết hai bên vẫn còn bất đồng về việc có dỡ bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu khi đã đạt thỏa thuận hay không. Vấn đề thứ hai là về lượng hàng hóa Trung Quốc sẽ mua để cân bằng thương mại. Cuối cùng là về từ ngữ. Các nhà bình luận Trung Quốc từ lâu vẫn coi thỏa thuận này là một chiều, gây hại cho Bắc Kinh.