Mỹ sắp tung đòn bóp nghẹt tối đa xuất khẩu dầu của Iran?

22/04/2019 10:49 GMT+7
Theo một nguồn tin cung cấp cho Reuters, dự kiến vào hôm nay, Mỹ sẽ tuyên bố tất cả các nhà nhập khẩu dầu từ Iran sẽ phải tạm dừng nhập khẩu trong thời gian ngắn nếu không sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo một nguồn tin cung cấp cho Reuters, dự kiến vào hôm nay, Mỹ sẽ tuyên bố tất cả các nhà nhập khẩu dầu từ Iran sẽ phải tạm dừng nhập khẩu trong thời gian ngắn nếu không sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Tin này ngay lập tức đã khiến giá dầu thô tăng 3%.

Mỏ dầu Soroush ở Vịnh Ba Tư, phía nam thủ đô Tehran. Ảnh: REUTERS / Raheb Homavandi

Nguồn tin này cũng xác nhận thông tin từ tờ Washington Post rằng chính quyền Mỹ sẽ chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với một số nhà nhập khẩu dầu Iran từ cuối năm ngoái.

Giá dầu thô Brent toàn cầu đã tăng 3,2% lên 74,30 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/11/2018, trong phiên giao dịch của thị trường chứng khoán châu Á đầu ngày thứ Hai do các nhà đầu tư phản ứng với nguy cơ thắt chặt nguồn cung. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ đã tăng tới 2,9% lên 65,87 đô la một thùng, cao nhất kể từ ngày 30/10/2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ với nhóm an ninh quốc gia của mình vài tuần trước rằng ông không muốn nước nào được tiếp tục hưởng quyền miễn trừ và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang xử lý vấn đề này.

Mỹ đã tiếp tục áp lệnh trừng phạt từ tháng 11 đối với xuất khẩu dầu của Iran sau khi ông Trump đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc thế giới. Washington đang gây áp lực buộc Iran phải cắt giảm chương trình hạt nhân và ngừng ủng hộ các nhóm phiến quân ở Trung Đông.

Tuy nhiên, cùng với các lệnh trừng phạt, Washington cũng miễn trừ cho tám nước được mua dầu Iran mà không phải chịu lệnh trừng phạt trong vòng sáu tháng. Họ là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hy Lạp.

Nhưng vào thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo có thể sẽ thông báo rằng, kể từ ngày 2/ 5, Bộ Ngoại giao sẽ không tiếp tục cấp miễn trừ trừng phạt cho bất kỳ quốc gia nào hiện đang nhập khẩu dầu thô hoặc khí ngưng tụ của Iran. Tin tức này được phóng viên Josh Rogin của tờ Washington Post trích dẫn lời hai quan chức Bộ Ngoại giao mà ông không nêu tên.

Vào thứ Tư, Frank Fannon, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng Mỹ, đã lặp lại quan điểm của chính quyền Mỹ là “Chúng tôi muốn mức xuất khẩu của Iran sẽ về 0 càng nhanh càng tốt.”

Thị trường châu Á gặp khó

Việc chấm dứt miễn trừ sẽ gây ảnh hưởng nặng nhất đối với các nước châu Á. Các khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran là Trung Quốc và Ấn Độ đã vận động hành lang để tiếp tục được hưởng miễn trừ.

Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, cũng là một khách hàng lớn mua khí ngưng tụ của Iran, một dạng dầu thô siêu nhẹ mà ngành công nghiệp lọc dầu của nước này sử dụng để sản xuất hóa dầu.

Các quốc gia khác cũng đang theo dõi để xem liệu Hoa Kỳ có tiếp tục miễn trừ hay không. Thứ ba tuần trước, phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Mỹ sẽ gia hạn miễn trừ cho Ankara để tiếp tục mua dầu từ Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới OANDA tại Singapore cho biết việc chấm dứt miễn trừ trừng phạt có thể khiến các đối thủ nặng ký khác trong khu vực (châu Á) tranh giành để tìm nguồn cung thay thế trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu hiện nay được cơ cấu rất chặt chẽ.

Washington đang thực hiện một chiến dịch gây áp lực kinh tế tối đa đối với Iran; thông qua các lệnh trừng phạt, mục đích cuối cùng của họ là ngăn Iran xuất khẩu dầu và từ đó bóp nghẹt nguồn thu chính của Tehran.

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon và hai công ty khác theo dõi xuất khẩu, cho đến tháng Tư, xuất khẩu của Iran trung bình là dưới 1 triệu thùng mỗi ngày.

Con số này thấp hơn mức tối thiểu 1,1 triệu thùng mỗi ngày như ước tính cho tháng 3 và giảm nhiều so với mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng lại vào tháng 5 năm ngoái.

Quỳnh Diệp
Cùng chuyên mục