Mỹ thất vọng vì Trung Quốc lại chơi bài "đổ lỗi"
Chính quyền ông Trump hôm 3/6 vừa qua cáo buộc Trung Quốc đang chơi trò đổ lỗi cho Mỹ, sau khi sách trắng quốc phòng mà Bắc Kinh công bố chỉ là Washington phải chịu trách nhiệm “duy nhất và toàn bộ” cho những đổ vỡ trên bàn đàm phán thương mại.
Những tranh chấp qua lại và cáo buộc giữa hai bên đã tăng lên đáng kể từ hồi đầu tháng 5, khi cuộc đàm phán bị phá vỡ vì Mỹ cáo buộc Trung Quốc đi ngược lại những thỏa thuận về thắt chặt luật pháp quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động chuyển giao công nghệ.
Trong một tuyên bố chung mới đây, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng sau khi Bắc Kinh ban hành sách trắng quốc phòng và đổ lỗi cho Washington về thất bại trong đàm phán. Cơ quan này nhấn mạnh quan điểm rằng các nhà đàm phán Trung Quốc cũng ủng hộ những thỏa thuận quan trọng trước đó giữa hai bên, bao gồm cả điều khoản thi hành. Nhưng sau đó, động thái từ Bắc Kinh lại phản ánh sự đi ngược lại thỏa thuận.
“Việc Mỹ gây áp lực thi hành các cam kết thỏa thuận không phải mối đe dọa với chủ quyền Trung Quốc” - văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Tài chính cho hay. “Các thỏa thuận này là phổ biến trong bất kỳ hiệp định thương mại nào khác, nhằm mục đích giải quyết những nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt thương mại dai dẳng và không bền vững”.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) trong một cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hôm 1.5
Trước đó, hôm 2/6, Trung Quốc đã ban hành sách trắng quốc phòng nói về cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Nội dung sách trắng khẳng định Mỹ là bên chịu trách nhiệm “duy nhất và toàn bộ” cho những thất bại trong đàm phán thương mại. Bắc Kinh còn trích dẫn ba trường hợp Washington đi ngược lại các cam kết trong đàm phán, để phản đối cáo buộc Trung Quốc không thực hiện thỏa thuận thương mại.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 6, Thứ trưởng Bộ Thương Mại Trung Quốc, ông Vương Thụ Văn - một thành viên tích cực của đoàn đàm phán Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ sử dụng áp lực cực đoan để “ép buộc” và “bắt nạt” Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng lên đáng kể từ hồi đầu tháng 5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế 25% lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc hôm 10.5. Lý do được đưa ra là Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Chỉ vài ngày sau, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục đưa Huawei vào danh sách đen với hàng loạt cáo buộc gián điệp, vi phạm lợi ích an ninh quốc gia. Một lệnh hạn chế thương mại đã khiến Huawei rơi vào tình cảnh khốn đốn, có nguy cơ bị chặt đứt chuỗi cung ứng phần mềm, phần cứng và linh kiện điện tử.
Không có cuộc đàm phán thương mại nào được tiến hành trong tháng 5 giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bắc Kinh và Washington hiện vẫn chưa lên tiếng về khả năng Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 được tổ chức ở Nhật Bản.