Nền kinh tế lớn nhất châu Âu tái phong tỏa, suy thoái theo sau?

15/12/2020 09:39 GMT+7
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tiến vào tình trạng đóng cửa đất nước, điều có thể khiến nước này rơi vào một cuộc suy thoái khác. Đáng nói hơn, đây có thể là lời cảnh báo lớn cho các ổ dịch như Mỹ khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến trong mùa đông.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu tái phong tỏa, suy thoái theo sau? - Ảnh 1.

Đức - Nền kinh tế lớn nhất châu Âu tái phong tỏa quốc gia khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt

Hôm Chủ nhật tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Đức sẽ đóng cửa quốc gia một lần nữa, bắt đầu từ tuần này và kéo dài suốt kỳ nghỉ Giáng sinh. Các trường học và cửa hàng không thiết yếu sẽ đóng cửa từ 16/12. Các bữa tiệc Giáng sinh sẽ giới hạn giới hạn người tham gia dưới 5. Thông báo được đưa ra sau khi Đức ghi nhận 30.000 ca nhiễm mới và 600 ca tử vong do Covid-19 chỉ trong vòng 24 giờ, vượt mức kỷ lục.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/12, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier khẳng định nước này có thể ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo nhờ hàng loạt biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Theo nguồn tin của Reuters, nhiều khả năng số lượng người được nhà nước trợ cấp lương sẽ tăng lên.

Nhưng các nhà kinh tế đang tỏ ra lo lắng liệu các biện pháp như vậy có đủ để giữ cho Đức thoát bờ vực suy thoái kinh tế hay không. Tiến sĩ Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng của Commerzbank nhận định: “Nước Đức sẽ phải gồng mình chống chọi với cuộc suy thoái lần thứ hai”.

Nhìn rộng ra bức tranh toàn cầu, Đức không phải quốc gia duy nhất đang vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo. Hàn Quốc cũng đang xem xét công bố các biện pháp giãn cách xã hội mới khi số ca nhiễm mới có xu hướng tăng vọt. Và Thị trưởng London (Anh) thì đang yêu cầu Chính phủ đóng cửa trường học sớm hơn kỳ nghỉ mùa đông khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tại Mỹ, khi vaccine Covid-19 của Pfizer đã được chấp thuận sử dụng trên toàn quốc, tình hình dịch bệnh vẫn rất đáng quan ngại. Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã sắp chạm mốc 300.000 người. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã vượt mốc 200.000. Chính quyền bang California hồi đầu tháng này đã buộc phải ban hành sắc lệnh cách ly tại nhà với khoảng 85% cư dân khi công suất phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại nhiều bệnh viện trong khu vực giảm xuống dưới 15%. 

Những diễn biến đó nhắc nhở các chính phủ rằng dù vaccine Covid-19 đang cho thấy những tín hiệu tích cực nhưng nó sẽ không giúp chấm dứt ngay cuộc khủng hoảng sức khỏe tàn khốc, càng không giúp vực dậy ngay nền kinh tế vốn đã trì trệ.

Nhà quan sát Jim Reid của Deutsche Bank chỉ ra rằng: “Sau khi trở thành một điển hình trong thành công kiểm soát làn sóng đại dịch đầu tiên ở châu Âu, Đức giờ đây tiếp tục phải vật lộn với số ca nhiễm tăng vọt trong vài tuần qua… Lệnh đóng cửa mới sẽ giáng đòn mạnh vào hoạt động kinh tế cũng như niềm tin thị trường trong ngắn hạn”, dù rằng thiệt hại sẽ không quá lớn như hồi đầu năm nhờ các biện pháp viện trợ kịp thời từ chính phủ cũng như vaccine Covid-19 sắp được triển khai.

Vaccine Covid-19 phát triển bởi Pfizer (Mỹ) và đối tác Đức BioNTech là dòng vaccine đầu tiên được một số chính phủ phương Tây trong đó có Mỹ chấp thuận sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch hiện tại. Việc chấp thuận sử dụng vaccine này là một dấu mốc quan trọng với ngành y tế và cả hoạt động kinh tế.

Các nhà phân tích phố Wall dự báo các hãng dược phẩm như Pfizer và Moderna (hãng công nghệ sinh học non trẻ dự kiến sắp được cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 trong vài tuần tới) sẽ thu về khoảng 32 tỷ USD từ doanh thu bán vaccine trong năm 2021. Nhưng việc thu lợi từ bán vaccine Covid-19 của các công ty này đang vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, bởi cho đến nay con số tử vong do dịch Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1,6 triệu người.

"Việc các công ty dược phẩm như Pfizer và Moderna kiếm lợi bên ngoài những khoản tiền hỗ trợ khổng lồ lấy từ tiền thuế của người dân Mỹ là hoàn toàn sai lầm” - trích lời Eli Zupnick, phát ngôn viên tổ chức Accountable.US.


NTTD
Cùng chuyên mục