85% dân số California cách ly tại nhà từ hôm nay: Thêm đòn giáng cho kinh tế Mỹ
Tờ CNN đưa tin, khoảng 33 triệu dân trên tổng số 39 triệu dân ở bang California, tương đương 85% công dân của tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ sẽ phải thực hiện lệnh cách ly tại nhà từ 11h59 phút đêm 6/12 (tức trưa 7/12 giờ Việt Nam).
Trong đó, khoảng 27 triệu cư dân ở Nam California và Thung lũng San Joaquin phải cách ly tại nhà sau sắc lệnh của Thống đốc Gavin Newsom hồi tuần trước. Sắc lệnh này yêu cầu áp đặt ngay cách hạn chế cách ly mới nếu công suất phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tại toàn bộ bệnh viện trong khu vực giảm xuống dưới 15%. 6 triệu dân còn lại được chính quyền khu vực Vịnh San Francisco đưa vào tình trạng cách ly mà không chờ công suất số phòng ICU giảm xuống dưới mức đó.
Sắc lệnh cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh như quán bar, tiệm làm tóc, bảo tàng, rạp chiếu phim và các cơ sở giải trí trong nhà buộc phải ngừng hoạt động cho đến khi có lệnh mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở cửa và duy trì hoạt động khoảng 20% công suất. Các nhà hàng chỉ được phục vụ đồ ăn mang về hoặc giao hàng tận nơi. Đa phần dịch vụ du lịch bị cấm.
Được biết, sắc lệnh có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần tiếp theo và sẽ chỉ được dỡ bỏ chừng nào công suất phòng ICU dự kiến trong khu vực đạt 15% trở lên.
Tính đến hôm 6/12, công suất các phòng ICU ở Nam California, khu vực đông dân nhất của bang California đã giảm xuống 10,3%. Tại Thung lũng San Joaquin bao gồm phần lớn trung tâm bang California, con số này thậm chí đã giảm xuống 6,6%. Toàn bang California báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm mới Covid-19 trong một ngày hôm 6/12, mức kỷ lục chưa từng có kể từ đầu vụ dịch đến nay.
Greg Cox, một giám sát viên Quận San Diego cho hay: “Thực tế là từ nhiều tuần nay, các ca nhiễm Covid-19 đã đạt mức cao kỷ lục tại quận của tôi. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ không chỉ các ca nhiễm mới mà còn tỷ lệ nhập viện và nhu cầu sử dụng giường ICU tại các bệnh viện trong toàn khu vực”.
Số ca nhập viện tại bang California do dịch Covid-19 đang lên mức cao nhất mọi thời đại tới 10.624 bệnh nhân, theo Bộ Y tế Công cộng bang California. Điều đó khiến các quan chức tại 6 khu vực pháp lý vịnh San Francisco (các quận Alameda, Contra Costa, Marin, Santa Clara, San Francisco và thành phố Berkeley với tổng dân số gần 6 triệu người) ban hành lệnh cách ly tại nhà dù công suất giường ICU tại khu vực chưa giảm xuống ngưỡng 15%. Tính đến 6/12, công suất giường ICU tại đây vẫn ở mức 24,1%.
Tiến sĩ Tomás Aragon, Cán bộ Y tế tại San Francisco cho biết trong một thông cáo báo chí rằng chờ đợi đến khi số giường ICU giảm xuống dưới 15% mới ban hành các hạn chế kiểm dịch sẽ là quá muộn. “Nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong khu vực đã chứng kiến số giường ICU giảm xuống dưới 15%. Đây là thời điểm thích hợp để hành động”. Các hạn chế ở vịnh San Francisco sẽ có hiệu lực đến ít nhất ngày 4/1/2021.
Thống đốc Gavin Newsom của bang California bày tỏ kỳ vọng đây là lần cuối cùng California phải bước vào một đợt hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt như vậy. “Chúng ta đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Chỉ còn vài tháng nữa trước khi vaccine Covid-19 được thúc đẩy tiếp cận người dân. Chúng ta sẽ có sẵn vaccine để phân phối cho công dân”.
Bang Califonia ‘đóng cửa’: hệ lụy kinh tế đáng quan ngại
Bang California hiện là bang giàu có nhất nước Mỹ. Tính đến năm 2018, bang này có nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo quy mô chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Nếu coi California là một quốc gia độc lập thì nền kinh tế của bang này còn lớn hơn cả kinh tế Anh. Sự phát triển rực rỡ của ngành công nghệ tại thung lũng Silicon cũng như ngành điện ảnh tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood đã tạo nên động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng của California. Bên cạnh đó là trung tâm nông nghiệp thung lũng Central Valley màu mỡ.
Nhìn chung, California chỉ chiếm 12% dân số toàn Mỹ nhưng đóng góp đến 16% vào sự tăng trưởng việc làm cả nước trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2012 -2017. California cũng đóng góp 14,2% vào quy mô GDP nước Mỹ trong cùng kỳ.
Mỹ hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/10 cho thấy tăng trưởng GDP nền kinh tế Mỹ quý III/2020 đạt 33,1% - mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử nước Mỹ và gần gấp đôi mức tăng trưởng kỷ lục trước đó là 16,7% vào năm 1950, thời điểm hậu Thế chiến II. Tuy vậy, con số màu hồng này vẫn không thể che khuất bức tranh toàn cảnh rằng nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến GDP -31,4% trong quý II, mức giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ hiện đại khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Làn sóng dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong những tuần qua kéo theo sự đóng cửa của nhiều khu vực kinh tế quan trọng như bang California chắc chắn sẽ là đòn giáng không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV năm nay.