Các công ty Mỹ đang gặp khó ở Trung Quốc như thế nào?

13/05/2021 18:09 GMT+7
Nhiều công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn các doanh nghiệp Trung Quốc đối tác hoạt động tại Mỹ, trích báo cáo do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố đầu tuần này.

Báo cáo cho biết: “Các thành viên của AmCham Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức mang tính cấu trúc lâu dài tại thị trường Trung Quốc trong những động thái bóp méo sân chơi, đi ngược lại lợi ích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư nước ngoài”.

“2/3 các thành viên Amcham cho biết  sẽ xem xét tăng đầu tư vào Trung Quốc nếu thị trường này mở cửa ngang với mức độ mở cửa ở Mỹ” - báo cáo nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc thường phải liên doanh với một đối tác địa phương và phải đối mặt với nhiều rào cản đầu tư. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc có thể hoạt động tại Mỹ với ít rào cản hơn nhiều bất chấp những lệnh trừng phạt hay hạn chế từ Washington khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong nhiều tháng qua.

Các công ty Mỹ đang gặp khó ở Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Các công ty Mỹ gặp khó ở Trung Quốc hơn là những gì DN Trung Quốc phải đối diện tại Mỹ

Dưới thời cựu Tổng thống Trump, chính quyền Trump đã sử dụng thuế quan và các biện pháp trừng phạt để giải quyết các khiếu nại lâu nay về các hoạt động kinh doanh không lành mạnh của Trung Quốc - bao gồm vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Nhưng ở Trung Quốc, có nhiều ngành hoạt động mà các công ty Mỹ phải đối mặt với bất lợi và hạn chế. Chẳng hạn:

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Có quy định đầu tư nước ngoài vào các tổ chức y tế ở Trung Quốc không được vượt quá 70%. Trong khi đó, không có giới hạn nào như vậy tồn tại ở Mỹ.

Điện toán đám mây: Các công ty nước ngoài không được đầu tư hơn 50% vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ đám mây. Không có hạn chế như vậy ở Mỹ.

Phim ảnh: Chính phủ Trung Quốc ấn định ngày phát hành phim và yêu cầu 75% doanh thu vẫn thuộc về các công ty sản xuất phim Trung Quốc. Tại Mỹ, các công ty Trung Quốc có thể phân phối phim mà không bị hạn chế và tự đặt ngày phát hành.

Thực tế, trong vài năm qua, Bắc Kinh đã hướng tới mở cửa, dần cải thiện môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong một bộ luật đầu tư nước ngoài mới có hiệu lực vào năm ngoái, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế về quyền sở hữu trong lĩnh vực tài chính và các ngành công nghiệp khác.

“Các tòa án Trung Quốc đã cải thiện các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ,” Trưởng ban Chính sách AmCham, Lester Ross cho hay. AmCham cũng nhận thấy rằng trong năm qua, 47% thành viên cho biết việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc đã được cải thiện tổng thể.

Tuy nhiên, căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành thách thức chính đối với các thành viên AmCham hoạt động tại quốc gia châu Á này, báo cáo cho biết.

Trong cuộc họp báo đầu tuần này, Chủ tịch AmCham Mỹ tại Trung Quốc Greg Gilligan cho biết môi trường địa chính trị đã khiến các chính sách của chính phủ Bắc Kinh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài gặp khó trong việc thực hiện ở cấp địa phương. “Chúng tôi cảm thấy rằng các quan chức địa phương đang phản ứng với mức độ căng thẳng trong quan hệ Mỹ Trung, và do đó chọn hướng đi an toàn là ưu tiên cho ngành công nghiệp trong nước”.

Ông Gilligan dự báo căng thẳng giữa hai nước sẽ còn kéo dài ít nhất trong hai năm tới. Nhất là khi Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức và  giữ nguyên cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc từ thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc là “thị trường ưu tiên” của hơn 2/3 số thành viên của AmCham, báo cáo cho biết. Theo AmCham, gần 85% thành viên trực thuộc  tổ chức này không có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc tìm nguồn cung ứng khác bên ngoài Trung Quốc trong thời gian tới.


NTTD
Cùng chuyên mục