Nếu bị cấm tại Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể đổ xô sang niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông

01/10/2019 09:27 GMT+7
Đáp lại thông tin Nhà Trắng đang cân nhắc hạn chế đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, Bắc Kinh mới đây đã lên tiếng đáp trả, gọi đây là nỗ lực “phân tách” nền kinh tế thế giới, theo một bài đăng trên tờ Thời báo Toàn cầu - một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc.

Báo Trung Quốc: "Đá" công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch Mỹ sẽ làm tổn thương chính kinh tế Mỹ

Sàn Hồng Kông nhộn nhịp nếu Mỹ cấm doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết - Ảnh 1.

Thông tin Mỹ xem xét hạn chế đầu tư vào Trung Quốc khiến phố Wall lao đao

Hồi tuần trước, tờ CNBC và Bloomberg đồng thời đưa tin Nhà Trắng đang thảo luận xem xét hạn chế dòng đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc để hạn chế những rủi ro với nhà đầu tư trong nước. Một trong những biện pháp được cân nhắc là hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Giá cổ phiếu hàng loạt công ty Trung Quốc như Alibaba, JD.com đã giảm mạnh hơn 5% ngay sau thông tin trên.

Ngay sau đó, Trợ lý Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề công cộng Monica Crowley phủ nhận thông tin trên, tuyên bố rằng chính quyền chưa tính chặn các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ "tại thời điểm này". Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro sau đó cũng xác nhận những tin đồn về việc hạn chế đầu tư là thiếu chính xác. Chứng khoán phố Wall hôm 30/9 đã tăng trở lại sau những tuyên bố này.

Nhưng truyền thông Trung Quốc không ngồi yên. Rất nhiều bài luận của các cơ quan ngôn luận Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Washington, đồng thời cảnh báo rằng hành động hạn chế đầu tư chắc chắn sẽ "tác động nặng nề đến nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc nói chung", đưa kinh tế đến gần hơn với viễn cảnh giảm tốc và suy thoái.

Ông Ning Zhu, giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh thì trả lời CNBC rằng việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ có thể sẽ gửi tín hiệu xấu về sự thiếu cởi mở của thị trường đầu tư Mỹ. "Nó sẽ dẫn đến một tác động rất sâu rộng đến thị trường vốn của Mỹ" - ông Ning nhấn mạnh. "Tài chính không giống như các lĩnh vực quân sự hay thương mại. Tài chính phức tạp hơn nhiều… Ngân hàng Mỹ, các công ty đầu tư tài chính Mỹ sẽ đối diện với những bất lợi rõ rệt so với các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu".

Sàn Hồng Kông nhộn nhịp nếu Mỹ cấm doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết - Ảnh 2.

Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ

Về phía Bắc Kinh, hôm 29/9, Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn cho hay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán đến Washington khoảng 1 tuần sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCS Trung Quốc. "Chúng tôi mong chờ đến vòng đàm phán tiếp theo. Chúng tôi hy vọng cả hai nước, trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng, sẽ cùng nhau giải quyết các xung đột với thái độ bình tĩnh, qua đó tìm ra một giải pháp có lợi cho đôi bên."

Không chỉ truyền thông Trung Quốc, các nhà phân tích Mỹ cũng cho rằng hạn chế đầu tư vào Trung Quốc sẽ gây tổn thương nặng nề cho cả nền kinh tế Mỹ. Nhất là khi Trung Quốc đang nắm giữ vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, thị trường vốn lớn thứ hai thế giới, công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới… Hơn 200 công ty Trung Quốc, bao gồm cả các đại công ty như Alibaba… đã huy động hàng chục tỷ USD từ thị trường vốn của Mỹ, theo một báo cáo của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc 3 công ty phân tích là Gavekal Dragonomics, Andrew Batson và Lance Noble công bố hồi tháng 8. 


Viễn cảnh Mỹ cấm cửa doanh nghiệp Trung Quốc: sàn Hồng Kông hưởng lợi

Không phải tất cả các công ty lớn của Trung Quốc đều lựa chọn niêm yết tại Mỹ.

Tencent, cha đẻ của ứng dụng nhắn tin WeChat từ lâu đã chọn sàn giao dịch Hồng Kông làm nơi niêm yết. Nhà sản xuất smartphone Xiaomi và công ty giao hàng thực phẩm Meituan-Dianping cũng đệ đơn xin niêm yết trên sàn Meituan-Dianping hồi năm ngoái. London cũng là một lựa chọn không tồi, theo các nhà phân tích.

Đó là chưa kể việc Chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực giữ các doanh nghiệp lớn niêm yết tại trong nước trong nỗ lực tạo nên một môi trường đầu tư hoàn thiện hơn.

Ringo Choi, giám đốc phụ trách mảng IPO khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ tập đoàn kiểm  toán EY nhận định các công ty sẽ đổ xô đến thị trường chứng khoán Hồng Kông hoặc sàn giao dịch nội địa một khi bị "đá" khỏi Mỹ. Ngân hàng DBS (Singapore) cũng nhận định Hồng Kông là một trong những lựa chọn niêm yết đáng để cân nhắc với các công ty Trung Quốc. Đây là một tin tốt cho Hồng Kông, nơi đang chứng kiến doanh thu từ các dịch vụ công cộng như niêm yết chứng khoán giảm 46,8% so với cùng kỳ năm 2018. 

"Việc mất quyền niêm yết trên thị trường chứng khoán của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nhưng không đủ sức tàn phá thị trường tài chính Trung Quốc, theo chiến lược gia Philip Wee và Eugene Leow từ DBS.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục