Ngấm đòn dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu năm 2020 khó thoát suy thoái
Khi Cục Dự trữ Liên bang FED cắt giảm lãi suất 1%, đưa lãi suất cơ bản về mức 0 cùng gói nới lỏng định lượng khổng lồ 700 tỷ USD, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh. Các nhà đầu tư không tỏ ra vui mừng, vì họ lo lắng các gói kích thích thực chất là nỗ lực muộn màng của FED để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Giờ đây, khi nguy cơ suy thoái đã gần ngay trước mắt, không còn ai nghi ngờ điều đó. Câu hỏi được đặt ra lúc này là mức suy thoái nghiêm trọng thế nào và kéo dài bao lâu.
Trong những ngày gần đây, kể từ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, các nhà phân tích liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ 1-2% khi hàng loạt nền kinh tế quan trọng như Mỹ và các quốc gia Châu Âu cảnh báo phong tỏa quốc gia. Động thái này được đánh giá còn tệ hại hơn cả việc nền kinh tế Trung Quốc tê liệt hồi tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại nước này.
Theo định nghĩa của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, nền kinh tế toàn cầu được coi là suy thoái khi tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm dưới 2,5%. Năm ngoái, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 2,9%.
Công ty phân tích đầu tư Schroder gần đây liên tục hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ 2,6% xuống 2,3% trong tuần đầu tiên của tháng 3, và giờ đây là 2%, báo hiệu một cuộc suy thoái đến gần khi nhiều quốc gia Châu Âu đóng cửa biên giới.
Keith Wade, chiến lược gia kinh tế từ Schroder cho hay: “Chúng tôi đã dự đoán được sự lây lan mạnh của virus corona, nhưng chúng tôi không dự đoán được rằng toàn bộ Italy sẽ bị phong tỏa”. Hiệu ứng của việc phong tỏa Italy nói riêng và các quốc gia khác nói chung sẽ là mức tăng trưởng âm cho Châu Âu trong năm 2020, ông Wade nói thêm. “Kết hợp với khả năng dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và các hạn chế kiểm dịch ngày càng tăng từ nhiều chính phủ, tình trạng suy thoái ở Châu Âu có thể trầm trọng hơn dự đoán”.
“2020 có thể là năm tồi tệ nhất của Châu Âu kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009” - Keith Wade.
Nền kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng chuẩn bị sẵn cho một giai đoạn suy thoái với sự giảm tốc mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên và hiệu ứng với các quốc gia Châu Á lân cận. S&P Global đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 xuống thấp kỷ lục 2,9%, giảm mạnh từ mức dự báo 4,8% trước đó và giảm sâu so với mức tăng trưởng 6,1% hồi năm 2019.
Shaun Roache, chuyên gia kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Còn tệ hơn cả cú sốc kinh tế quý I ở Trung Quốc là việc nền kinh tế Mỹ - Châu Âu trì trệ khi virus corona bùng phát trên toàn cầu. Thực trạng ảm đạm hiện tại đảm bảo một cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng trên khắp Châu Á Thái Bình Dương”.
Nghiên cứu của Ngân hàng ANZ cũng chỉ ra dịch Covid-19 sẽ sớm đưa nền kinh tế Australia vào một cuộc suy thoái lần đầu tiên trong gần 30 năm trở lại đây. “Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng lên 7,8% vào cuối năm nay, từ mức 5,1% trong tháng 1”.
Nguy cơ suy thoái kinh tế buộc các chính phủ tung nhiều biện pháp kích thích lớn để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản và gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp - hộ gia đình. Nhưng các nhà phân tích lo ngại những động thái này có thể là quá muộn màng và không giúp kinh tế toàn cầu đẩy lùi rủi ro suy thoái.