Ngân hàng đẩy tăng trưởng cách nào khi hết “của để dành”?

07/04/2019 13:26 GMT+7
Các yếu tố giúp tạo đột biến lợi nhuận của ngành ngân hàng mang tính “dự trữ” như bán phần vốn góp, hợp tác bán bảo hiểm hay thu được các khoản nợ xấu không còn

Khi mà các yếu tố đột biến mang tính “dự trữ” như bán phần vốn góp, hợp tác bán bảo hiểm hay thu được các khoản nợ xấu không còn, thì ngành ngân hàng sẽ chỉ còn duy trì được mức tăng trưởng 10-15%/năm.

Đây cũng được xem là mức tăng trưởng tiềm năng tối đa vì nó đã cao gấp 2-2,5 lần mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Bứt phá nhờ hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ, bán cổ phiếu

Năm 2018 được xem là một năm thành công đối với một số ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam nói chung. Nợ xấu cũ tiếp tục được đẩy mạnh xử lý, trong khi nợ xấu mới phát sinh cũng được kiểm soát ở mức thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 12/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%, giảm so với con số 2,46% của năm 2016 và 1,99% vào cuối năm 2017. Trong khi đó, nợ xấu tiềm ẩn đã giảm từ mức 10,1% vào cuối năm 2016 xuống còn 7% vào cuối năm 2017 và đến năm 2018 chỉ còn 6,5%.

Đặc biệt đáng chú ý khi xuất hiện một số ngân hàng có mức lợi nhuận tăng trưởng đột biến so với năm 2017. Chẳng hạn như lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 18.016 tỉ đồng, tăng 63,5%, hay con số của Techcombank là 10.661 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2017.

Bên cạnh hoạt động ngân hàng truyền thống, kết quả mà Vietcombank cũng như Techcombank có được còn đến từ những hoạt động khác. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi, Vietcombank đã tiến hành thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng như MB, Eximbank và Sài Gòn Công thương. Trong khi đó, Techcombank cũng thu được lợi nhuận không nhỏ từ việc bán cổ phần tại Vietnam Airlines hay bán Công ty Tài chính TechcomFinance cho Lotte.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng thu được số tiền không nhỏ thông qua các hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ (bancassurance). Phí hợp tác mà các ngân hàng thu được từ các công ty bảo hiểm ước tính có thể từ vài trăm đến cả ngàn tỉ đồng. Đó là các thương vụ hợp tác giữa Techcombank và Manulife, VPBank và AIA hay Sacombank và Dai-ichi...

Ảnh minh họa.

Buộc tìm hướng đi mới thay cho hoạt động tín dụng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/3 chỉ đạt 1,9%, thấp hơn mức tăng 2,23% cùng kỳ năm 2018 và 2,81% của năm 2017. Còn theo NHNN, đến ngày 25/3, tín dụng tăng trưởng 2,28%.

Thu nhập từ hoạt động tín dụng (NII - Net interest income) vẫn đang chiếm 70-80% trong cơ cấu tổng nguồn thu (TOI - Total operating income) của các ngân hàng. Do vậy, việc tín dụng tăng trưởng thấp sẽ đe dọa đến tham vọng tăng trưởng cao và liên tục của các ngân hàng trong năm 2019 cũng như các năm tiếp theo. Diễn biến này đã được phản ánh ngay trong kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của cả Vietcombank và Techcombank.

Theo đó, hai ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất hệ thống trong năm 2018 chỉ đặt mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2019, lần lượt với mức tăng 15% và 10%. Kết quả này là tương đương với mức tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng có thể được giao trong năm 2019. Như vậy, ngoại trừ các khoản thu nhập bất thường đến từ việc xử lý các khoản nợ xấu, dường như các ngân hàng sẽ không còn dư địa để có thể tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong khoảng 20-30%/mỗi năm. Vậy hướng đi nào cho các ngân hàng để có thể tiếp tục bứt phá được trong thời gian tới?

Để gia tăng lợi nhuận,phải hạ thấp chi phí

Khi mà các yếu tố đột biến mang tính “dự trữ” như bán phần vốn góp, hợp tác bán bảo hiểm hay thu được các khoản nợ xấu không còn, thì ngành ngân hàng sẽ chỉ còn duy trì được mức tăng trưởng 10-15%/năm. Đây cũng được xem là mức tăng trưởng tiềm năng tối đa vì nó đã cao gấp 2-2,5 lần mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế (GDP). Do vậy, các ngân hàng buộc phải tìm cho mình một điểm đột phá mới để cải thiện lợi nhuận trong các năm tiếp theo.

Khi mà doanh thu đã đạt mức tăng trưởng tiềm năng thì để gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng cần phải hạ thấp chi phí. Đối với hoạt động ngân hàng thì có hai cấu phần chi phí chính, bao gồm chi phí huy động vốn (COF - Cost of funds) và chi phí hoạt động (TOE - Total operating expense). Việc tiết giảm chi phí hoạt động là động thái mà nhiều ngân hàng đã, đang và còn tiếp tục làm trong các năm tới.

Theo thông lệ tại các nước phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, chỉ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR - Cost to income ratio) chỉ vào khoảng 35-40%. Tuy nhiên, con số này tại một số ngân hàng của Việt Nam tính đến cuối năm 2018 vẫn ở mức rất cao, như Sacombank là 67%, Eximbank 65%, MB 62%, VietinBank 49% hay ACB 48%... Do đó, những ngân hàng này vẫn còn nhiều room để đẩy lợi nhuận tăng trưởng cao hơn nữa trong những năm tới.

Tuy nhiên, một số ngân hàng có chỉ số này rất thấp và hiện đã tiệm cận mức chuẩn chung như Techcombank 32%, VPBank 34% hay Vietcombank ở mức 34%. Như vậy, những ngân hàng này phải tìm cách giảm được cấu phần chi phí thứ hai - chi phí huy động vốn từ khách hàng. Để giảm chi phí huy động vốn thì buộc các ngân hàng phải có các giải pháp để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (Current account and saving account - CASA).

Một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống hiện nay là MB 32%, Vietcombank 28%, Techcombank 27% hay TPBank ở mức 18%... Tuy nhiên, có lẽ chưa có nhiều ngân hàng chú trọng đến yếu tố này để có thể tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Tại Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, tỷ lệ CASA bình quân vào khoảng 50-70%. Để có thể tăng được tỷ lệ CASA thì giải pháp mà các ngân hàng trên thế giới áp dụng là tăng cường số lượng các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng phải hướng đến việc phát triển hệ thống thanh toán (transaction banking) ưu việt, có khả năng tích hợp được hệ sinh thái của từng khách hàng.

Như vậy, có thể nói công nghệ thông tin sẽ chính là yếu tố, chìa khóa then chốt để các ngân hàng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong những năm tiếp theo.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Cùng chuyên mục