Ngành hàng không có thể mất 7.5 tỷ USD lợi nhuận vì xung đột thương mại

03/06/2019 08:02 GMT+7
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung cùng tác động từ giá nhiên liệu cao có nguy cơ khiến lợi nhuận dự kiến của ngành hàng không thế giới năm 2019 giảm 7.5 tỷ USD.

Dự báo từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA cho biết, tổng lợi nhuận dự kiến của các hãng hàng không thế giới năm 2019 sẽ rơi vào khoảng 28 tỷ USD, giảm khoảng 7.5 tỷ USD, tức 1/5 so với ước tính được thực hiện cuối năm 2018.

Nguyên nhân của sự suy giảm đáng kể này được cho là bắt nguồn từ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung với những căng thẳng ngày một leo thang, đặc biệt từ sau khi Bắc Kinh quyết định áp dụng mức thuế trả đũa 25% với số hàng hóa 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên các hãng hàng không toàn cầu hôm 2.6, ông Alexandre de Juniac - chủ tịch IATA cho hay lợi nhuận ngành hàng không đang đối diện với nhiều thách thức.

“Sự suy thoái kinh tế toàn cầu là có khả năng, một khi xung đột thương mại Mỹ Trung kéo dài. Nhu cầu hàng không nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng do những căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ví dụ như lượng hành khách Trung Quốc đến Mỹ chẳng hạn.” - ông Alexandre de Juniac phân tích. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường không vẫn rất nhộn nhịp.

Ông Alexandre de Juniac - chủ tịch IATA cảnh báo về nguy cơ suy giảm lợi nhuận ngành hàng không do xung đột thương mại Mỹ Trung và biến động giá nhiên liệu

Xu hướng bảo hộ đang mở rộng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, và nhiều khả năng sẽ kéo theo ảnh hưởng với ngành kinh doanh vận tải hành không. “Những giá trị mà ngành công nghiệp hàng không tạo ra có thể bị đe dọa. Để hàng không trở thành chất xúc tác cho sự thịnh vượng, cần đề cao sự tự do thương mại hơn là bảo hộ” - trích bài phát biểu của ông Alexandre de Juniac.

Lufthansa, một trong 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới mới đây đã phải “đắp chiếu” vô thời hạn 3 máy bay MD-11s trong một chiến dịch cắt giảm công suất. CEO của Lufthansa, ông Carsten Spohr cho biết hãng này đang bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm trong nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường không, tuy nhiên nhu cầu vận tải hành khách vẫn rất lớn. Ông Carsten Spohr nhấn mạnh, nhu cầu thị trường sẽ quyết định việc cho 3 máy bay MD-11s trở lại bầu trời hay không.

Hãng hàng không Lufthansa đã “đắp chiếu” vô thời hạn 3 máy bay chuyên dụng để cắt giảm công suất

CEO Rupert Hogg từ Cathay Pacific Airlines (một trong 5 hãng hàng không hàng đầu thế giới) cũng cho biết hồi tháng 5 rằng công ty sẵn sàng cắt giảm năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa một khi xung đột thương mại gây ra những diễn biến xấu hơn. Vận chuyển hàng hóa đóng góp 1/5 trong tổng doanh thu của Cathay Pacific Airlines, tức khoảng 14.1 tỷ USD trong năm 2018. Trong khi đó, tải trọng hàng hóa của Cathay Pacific Airlines 4 tháng đầu năm 2019 vừa qua đã giảm 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Akbar Al Baker, CEO của Qatar Airlines - hãng hàng không sở hữu 20 máy bay chuyên dụng cùng 200 máy bay chở khách - cũng chứng kiến ​​sự sụt giảm trong vận tải hàng hóa, nhưng chưa thể thống kê chính xác các tác động. Tuy nhiên, ông Baker lưu ý những hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ Trung với nền kinh tế thế giới nói chung và ngành hàng không nói riêng sẽ đến rất nhanh. “Đó không phải cuộc xung đột riêng của hai quốc gia. Đó là cuộc thương chiến của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, và bất kỳ hành động nào từ họ cũng làm kinh tế thế giới chao đảo”.

Theo thống kê của IATA, 40% lưu lượng vận tải hàng không toàn cầu đi qua Châu Á - khu vực tiếp xúc và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xung đột thương mại Mỹ Trung. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng (trung bình khoảng 70 USD/ thùng Brent, tăng 25.5% so với năm 2017) cũng là nguyên nhân chính làm giảm đi lợi nhuận dự kiến của ngành hàng không.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục