Ngành thời trang là nạn nhân tiếp theo của virus corona
Dịch virus corona bùng phát đang khiến gần 1.000 nhà nhập khẩu thời trang cao cấp Châu Âu ngừng phân phối trong bối cảnh Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng nhất của ngành công nghiệp thời trang thế giới ở cả hai mảng tiêu thụ và sản xuất. Nhiều hãng thời trang cao cấp đang phải đối mặt với rủi ro hụt doanh thu lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay.
Người tiêu dùng Trung Quốc đóng góp 40% trong doanh thu 363 tỷ USD lĩnh vực thời trang cao cấp năm 2019, theo Jefferies, và thúc đẩy 80% tăng trưởng ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Trung Quốc còn là nhà sản xuất lớn các chất liệu cotton, vải và lụa. Các nhà máy dệt may Trung Quốc là đối tác chính của rất nhiều nhãn hiệu cao cấp như Hennes & Mauritz và Next (Anh) hay các nhà mốt xa xỉ như Tory Burch. Khủng hoảng dịch virus corona bùng phát cũng gây gián đoạn chuỗi cung ứng với thị trường thời trang tầm trung, khi các hãng bán lẻ và nhãn hiệu thời trang quan ngại nhà máy Trung Quốc khó đáp ứng tiến độ bộ sưu tập thu - đông theo đúng kế hoạch.
Các công ty thời trang cao cấp như LVMH, Kering và Richemont ở vị trí an toàn hơn do không quá phụ thuộc vào nhà máy Trung Quốc như các hãng thời trang tầm trung. Nhưng theo Luca Sloca, nhà phân tích từ Bernstein, doanh thu bán lẻ trong quý I của những hãng thời trang cao cấp này có thể chịu ảnh hưởng nặng nề và giảm đáng kể. Nhu cầu về tiêu thụ thời trang ở Trung Quốc gần như đang chững lại khi người dân nhiều tỉnh thành bị khóa chặt trong các biện pháp cách ly, phong tỏa bắt buộc của chính quyền. Tuy nhiên, triển vọng khả quan hơn của tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có thể giúp phục hồi doanh thu quý II.
5 nhà thiết kế Trung Quốc đã phải hủy show diễn thời trang của họ ở Tuần lễ thời trang Paris vào tuần sau khi dịch virus corona chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Bên cạnh đó, Chanel và Prada tạm hoãn các hoạt động quảng bá ở Trung Quốc vào tháng 5. Cục Thời Trang Quốc gia Italy cho rằng xuất khẩu thời trang nước này được dự đoán giảm xuống còn khoảng 130 triệu USD vào quý I (nếu tình hình khả quan hơn) và tăng lên 298 triệu USD vào quý II.
Các tập đoàn thời trang xa xỉ buộc phải đóng cửa nhiều cửa hàng và văn phòng ở Trung Quốc, hoãn ra mắt bộ sưu tập mới cũng như các chiến dịch truyền thông và hạn chế chi phí trả cho nhân viên. Một số thương hiệu buộc phải cho nhân viên tạm thời nghỉ không lương. Trong bối cảnh nhiều nhà máy và cửa hàng vẫn ở tình trạng đóng cửa, bầu không khí ảm đạm dường như là sự báo trước doanh thu sụt giảm trong cả ngành công nghiệp thời trang. Các nhãn hàng lớn đang dần phải chuyển sản phẩm đến những quốc gia khác trên thế giới tiêu thụ nhằm tránh tình trạng hàng tồn kho ở Trung Quốc, theo giám đốc Kering - François Henri Pinault nói vào tuần trước.
Để thu hút sự chú ý của nhà nhập khẩu Trung Quốc, Gucci đã trình chiếu trực tiếp các show diễn cho bộ sưu tập thu-đông nữ ở Milan trên mạng xã hội độc quyền Trung Quốc là Weibo. Trước sự kiện này, người xem có thể khám phá hậu trường, cũng như toàn bộ show diễn với những bộ trang phục mới nhất. Gucci – nhãn hiệu thời trang lớn nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất của Kering bắt đầu trình chiếu trực tiếp các show thời trang của họ trên Weibo từ năm ngoái, nhằm hướng trực tiếp đến thị trường Trung Quốc – vốn mua nhiều sản phẩm xa xỉ hơn hẳn so với khách hàng Châu Âu hay Mỹ. LVMH và Chanel cũng như nhà tổ chức tuần lễ thời trang Milan và Paris cũng bắt đầu rục rịch nối bước Gucci để trình chiếu trực tiếp các show diễn của mình.
Các công ty thời trang xa xỉ Mỹ bị phụ thuộc vào Trung Quốc hơn hẳn so với các tập đoàn Châu Âu. Công ty Tapestry (sở hữu thương hiệu Coach và Kate Spade) từng báo cáo tăng trưởng doanh thu ở thị trường Trung Quốc gấp 3 lần so với mức tăng trưởng trung bình tại các thị trường khác. Còn Tiffany & Co thì báo cáo mức tăng trưởng gấp 2 lần tại thị trường này.
Các bán lẻ - vốn có truyền thống ra mắt bộ sưu tập theo hai mùa trong năm, hàng hóa cho mùa xuân và hè đã được vận chuyển đến Trung Quốc từ trước khi bùng nổ đại dịch, giờ đang được lên kế hoạch di chuyển trở lại trung tâm phân phối. Câu hỏi đặt ra là quy trình sản xuất và vận chuyển bộ sưu tập thu-đông sẽ bị tác động như thế nào khi nhân viên không thể trở lại làm việc sau Tết âm lịch. Theo chuyên gia phân tích Olivia Townsend từ UBS, các công ty thời trang gợi ý việc nhà máy đóng cửa đến hết tháng 2 có thể gây ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa. Next – tập đoàn thời trang Anh dự đoán thiệt hại khoảng 26 triệu USD giá trị hàng hóa ở thị trường Trung Quốc.
Vận chuyển muộn đến các nhà bán lẻ đồng nghĩa quần áo sẽ đến quá muộn so với mùa ra mắt sản phẩm, điều này buộc công ty thời trang giảm giá thành sản phẩm để bán nhanh hơn. Công ty thời trang nhanh như H&M và Zara có nhà cung cấp đa dạng từ Bắc Phi đến Thổ Nhĩ Kì, do vậy khả năng chuyển sản lượng từ một nhà cung cấp đến địa điểm khác có thể là giải pháp. Tuy nhiên, theo Edited – nhà phân tích số liệu ở London chỉ ra rằng số lượng các sản phẩm mới từ các hãng thời trang bình dân này giảm 3,5 % ở thị trường Mỹ và Anh tính đến tháng 3/2020.
So với các nhãn hàng xa xỉ, công ty thời trang bình dân đang ở thế bất lợi hơn do bị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Dù lương nhân công tăng ở Trung Quốc khiến nhiều hãng thời trang buộc phải chuyển nhà máy sang các quốc gia lân cận, đây vẫn là nhà cung cấp vải lớn nhất cho thị trường dệt may ở Bangladesh và Việt Nam.
Ngành công nghiệp thời trang đang loay hoay trước bối cảnh khủng hoảng còn lan rộng ở Trung Quốc, với chi phí vận chuyển sản phẩm tăng đột biến khi phải dùng máy bay thay vì tàu biển để đảm bảo tiến độ ra mắt sản phẩm mới ở các thị trường lớn khác. Virus Corona không chỉ đang đe dọa đến các nhà máy may mặc ở Trung Quốc mà còn các nhãn hàng thời trang lớn từ Châu Âu và Mỹ.