Ngoài Mỹ và Trung Quốc, đây là 5 nền kinh tế lớn đứng trước bờ vực suy thoái

16/08/2019 08:00 GMT+7
Trong bối cảnh bất ổn thương mại phủ bóng ảm đạm lên nền kinh tế, đây là 5 nền kinh tế lớn trên thế giới đang đối mặt với rủi ro suy thoái.

Theo những dữ liệu kinh tế quý II/2019, tăng trưởng kinh tế Anh đã giảm tốc còn tăng trưởng kinh tế Ý không có tiến triển rõ rệt. Còn Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới thậm chí tăng trưởng âm. Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết: "Điểm mấu chốt nằm ở chỗ nền kinh tế Đức đang tiến gần đến bờ vực của suy thoái". 

Không khá hơn Anh hay Đức, nền kinh tế Mexico cũng suy yếu trong hai quý liên tiếp và được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP yếu trong cả năm. Còn Brazil cũng có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, theo dự đoán của các nhà phân tích.

Đức, Anh, Ý, Brazil và Mexico đã từng là 5 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Singapore, một trong những trung tâm tài chính của Châu Á, con rồng mới nổi của thế giới cũng đang bị ảnh hưởng bởi nguy cơ suy thoái này. 

Một nhà máy sản xuất ô tô ở Berlin, Đức

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì đang chứng kiến tốc độ phát triển chậm nhất trong gần ba thập kỷ qua trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang với Mỹ. Dự kiến, Mỹ sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay. Đó chắc chắn sẽ là đòn giáng nặng nề lên nền kinh tế này.

"Điểm đặc trưng chung của đa số các nền kinh tế hiện nay là là nền tảng kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy yếu", Neil Shear, nhà kinh tế trưởng nhóm tại Capital Economics bình luận.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tháng trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2%, tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 sau cuộc đại suy thoái lịch sử. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 cũng hạ xuống còn 3,5%.

Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng sau những dấu hiệu bất ổn trên thị trường trái phiếu khi đường cong lợi suất đảo ngược trong chớp nhoáng. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) cho thấy hơn 30% các nhà quản lý tài sản dự báo về một cuộc suy thoái toàn cầu trong vòng 12 tháng tới.

5 nền kinh tế lớn đứng trước nguy cơ suy thoái

Đầu tiên phải kể đến Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vừa chứng kiến mức tăng trưởng âm trong quý II. Đức phụ thuộc rất nhiều vào kim ngạch xuất nhập khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. “Báo cáo GDP của Đức mới đây đã đánh dấu sự kết thúc của một thập kỷ vàng cho nền kinh tế nước này", Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng người Đức cho biết.

Cùng với Đức, nền kinh tế Anh cũng đang lao đao trong quan ngại một cuộc Brexit hỗn loạn. Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson từng cảnh báo quốc gia này hãy chuẩn bị cho cuộc ly khai khỏi liên minh Châu Âu mà không có thỏa thuận nào vào cuối tháng 10 này. Bất ổn chính trị cùng diễn biến thương mại toàn cầu đã đặt Anh vào nguy cơ kinh tế suy yếu lần đầu tiên trong vòng 7 năm. Một khi Thủ tướng Boris Johnson quyết định đưa nước Anh sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu mà không có bất cứ một thỏa thuận nào, nguy cơ xảy ra cuộc suy thoái sẽ là không thể tránh khỏi.

Ở Ý, nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn liên tục của nền kinh tế được cho là do năng suất sản xuất thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao trong độ tuổi thanh niên, khối nợ công khổng lồ và cả những bất ổn chính trị. Kết hợp với bối cảnh chiến tranh thương mại đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khó mà thấy được một tương lai sáng lạn cho nền kinh tế Châu Âu này.

Trong khi dòng vốn đầu tư vào Mexico suy giảm rõ rệt thì Brazil, nền kinh tế lớn nhất của Mỹ Latinh, cũng đang trong cảnh năng suất sản xuất công nghiệp thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những dữ liệu kinh tế được công bố vào tuần sau sẽ xác định liệu Mexico có đang rơi vào một cuộc suy thoái hay không, nhưng nguy cơ suy thoái kinh tế trong tương lai ngày càng chắc chắn. 

Triển vọng kinh tế tương lai: suy yếu hay sụp đổ?

Neil Shear đồng thời chỉ ra ba rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên là những cuộc chiến tranh thương mại, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ Trung. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Bắc Kinh và Washington, tâm lý thị trường sẽ kéo theo những diễn biến bất ổn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 sẽ giảm 0,5% nếu tranh chấp không dừng lại mà tiếp tục gia tăng. 

Thứ hai là nguy cơ các ngân hàng trung ương không có bất cứ hành động nào can thiệp, gây ra phản ứng tiêu cực trong thị trường tài chính. Vào tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ám chỉ rằng họ cũng sẽ có hành động nới lỏng chính sách tiền tệ sâu hơn vào tháng 9. Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc cũng đang xem xét áp lực giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Còn các ngân hàng trung ương khác từ Ấn Độ hay Thái Lan đã cắt giảm lãi suất hồi tuần trước, khiến thị trường lo ngại một triển vọng kinh tế toàn cầu không lấy gì làm sáng lạn.

Rủi ro cuối cùng là lĩnh vực dịch vụ bắt đầu phản ánh những dấu hiệu suy thoái.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu đáng để lạc quan trong nền kinh tế toàn cầu hiện tại. "Trong khi nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất, đang thể hiện tình trạng suy yếu của nền kinh tế, thì cũng có những bộ phận vẫn đang vân hành tương đối tốt. Tất cả những điều này nhất quán với quan điểm của tôi rằng tăng trưởng toàn cầu chỉ suy yếu thay vì sụp đổ.”

Hứa Ngọc Thanh
Cùng chuyên mục