Người dân Hà Nội kiếm tiền triệu mỗi ngày từ nghề săn "cu tý"
Canh Nậu cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, là một ngôi làng hiếm ở Hà Nội không biết tự khi nào nức tiếng với món thịt chuột. Không biết tự khi nào, ngoài công việc đồng áng, người dân Canh Nậu coi nghề này là “cần câu cơm” để kiếm sống. Việc săn bắt và chế biến chuột đồng không chỉ giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ mùa màng, hoa màu.
Người dân Canh Nậu bắt chuột quanh năm, từ mờ mờ sáng đến chạng vạng tối trên những cánh đồng thoai thoải các "thợ săn" lại với các đồ nghề như quốc, thuổng, xô mước, lồng,… rất rôm rả. Rộn ràng nhất là vào khoảng độ giữa tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch), khi vụ mùa mới thu hoạch xong.
Hằng ngày, họ phong tỏa ra khắp cánh đồng, có khi đi bộ hàng chục cây số để săn chuột về bán. Để phát hiện dấu vết của “cu tý” một cách nhanh nhất, nhiều người dân ở Canh Nậu còn dẫn theo một chú chó tinh khôn, chúng có khả năng đánh hơi, phát hiện ra hang chuột chỉ cách đó vài trăm mét.
Ông Đỗ Đăng Mức (sinh năm 1956, thôn 2, xã Canh Nậu) cho biết: “Trời càng về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu lại càng đông hơn bởi những tốp người đang hì hụi đào hang, hun chuột. Dân săn chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con ở đây lên bảy đã theo người lớn ra đồng, thậm chí những cụ già ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn còn rất ham bắt chuột”.
Theo ông Mức, thú săn chuột ở Canh Nậu lâu dần thành thói quen, nhiều người không chỉ bắt chuột giỏi, họ còn nắm bắt được chu kì sinh nở và quá trình trú ngụ của chuột đồng. “Trước đây ở xã chỉ có vài gia đình làm nghề nhưng sau này, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn nên nhiều người bắt đầu săn bắt, một số hộ gia đình còn mở dịch vụ thu mua, chế biến. Chuột sau khi bắt về được cạo lông, làm sạch, thui rơm vàng óng, thịt thơm và ngọt, ăn nhiều thành “nghiện”, có khi ngon hơn cả thịt gà, thịt lợn”- ông nói.
Theo người dân Canh Nậu, mùa thu chuột béo ngon nhất, còn mùa xuân bắt đầu từ tháng 2 là khoảng thời gian chuột bắt đầu sinh sản nên thời điểm này thường bắt được cả đôi. Sau tháng 3 chuột đẻ nhiều nên người dân không đi bắt nữa mà phải đợi 2 tháng sau mới bắt đầu đi bắt tiếp.
Vào mùa săn chuột, các hàng quán ở Canh Nậu hoạt động tấp nập, thương lái ở địa phương khác đổ xô về đây thu mua ngày càng nhiều. Chuột đồng tự nhiên sau khi chế biến có giá khá cao, giao động khoảng 80.000 - 120.000 đồng/kg, là món ăn bình dân được rất nhiều người dân ưa thích. Nếu may mắn, có hôm một thợ săn chuột ở Canh Nậu có thể bắt được từ 10 -15kg chuột, có hôm chỉ được vài kg. Trung bình mỗi ngày, sau khi trừ mọi chi phí, họ có thể dễ dàng bỏ túi từ 500 nghìn đên 1 triệu đồng.
Vừa sơ chế, làm thịt chuột bán cho khách, bà Nguyễn Thị Tính (sinh năm 1962, xã Canh Nậu) cho hay: Mặc dù có giá khá cao từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, thế nhưng mặt hàng này bán vẫn rất chạy. Thịt chuột đồng là một đặc sản thôn quê rất ngon có thể làm được 7 món, đắt hơn cả thịt gà, thịt chó. Trong đám cỗ ở quê mà có thịt chuột là sang lắm, chỉ tính nguyên thịt chuột 100 cỗ thì cũng đã mất 18-20 triệu.
“Chuột đồng thường nhỏ, tròn mình, trung bình mỗi con nặng khoảng từ 2 - 3 lạng. Sau khi sơ chế có thể chế biến thành các món ăn đặc sản như thịt chuột xào xả ớt, chuột luộc, chuột hấp... Món ăn có vị thơm, béo ngậy, được rất nhiều thực khách yêu thích”- bà cho hay.
Theo bà Tính, nhiều người chưa ăn thịt chuột bao giờ thì thấy có vẻ thấy sợ nhưng nếu đã ăn một lần thì sẽ nghiện ngay. “Mỗi ngày, sạp hàng của tôi bán được từ 7 -10 kg thịt chuột đồng. Mặc dù có giá đắt ngang với thịt lợn, thịt gà, thế nhưng đây là mặt hàng không bao giờ ế, có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, thậm chí nhiều hôm tôi bày ra chưa đầy 30 phút đã hết sạch hàng”- bà nói.