Người Mỹ đang cõng gánh nặng nợ kỷ lục sau dịch

04/08/2021 17:29 GMT+7
Nợ hộ gia đình Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục sau cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua.

Theo Cục Dự trữ Liên bang Fed chi nhánh New York, các khoản chi tiêu qua thẻ tín dụng và vay thế chấp mua nhà đã khiến nợ hộ gia đình Mỹ tăng vọt 313 tỷ USD, tương đương 2,1% trong quý II vừa qua. Đây là mức tăng giá trị lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 và là mức tăng phần trăm lớn nhất trong hơn 7 năm qua.

Tổng cộng, tính đến cuối tháng 6, người tiêu dùng Mỹ đang cõng trên vai gánh nặng nợ lên tới 14,96 nghìn tỷ USD, tăng 812 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lây lan rộng rãi ra toàn cầu.

Nợ thế chấp, khoản nợ đóng góp lớn nhất vào tổng nợ hộ gia đình, đã tăng 282 tỷ USD lên 10,44 nghìn tỷ USD tính đến hết quý II. 44% số nợ thế chấp chưa thanh toán được hình thành trong năm qua, bao gồm cả các khoản thế chấp mới và đáo hạn.

Không riêng nợ hộ gia đình Mỹ tăng vọt, nợ chính phủ Mỹ cũng đã lên mức 28,5 nghìn tỷ USD, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, tức nhiều hơn 29% so với giá trị tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ dự kiến được sản xuất trong nền kinh tế Mỹ trong năm nay.

Hôm 2/8, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã phải tuyên bố kích hoạt các biện pháp đặc biệt để ngăn Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ khi thời hạn đình chỉ trần nợ công kết thúc vào ngày 31/7.

Trần nợ công là mức giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ. Trần nợ ngăn Bộ Tài chính phát hành thêm trái phiếu mới để tài trợ cho hoạt động của chính phủ khi nợ chính phủ đạt đến một mức nhất định. Vào năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu đình chỉ quy định về trần nợ đến hết ngày 31/7 vừa qua. Kể từ ngày 1/8, trần nợ sẽ được tái áp đặt ở mức 22.000 tỷ USD như cũ, cộng thêm gánh nặng nợ khổng lồ tích lũy suốt giai đoạn đình chỉ trần nợ.

Theo các nhà kinh tế, các biện pháp đặc biệt sẽ cho phép Bộ Tài chính Mỹ tạm dừng các khoản thanh toán hoặc đầu tư mới để duy trì dòng tiền mặt mà không làm tăng tổng nợ trong khoảng 2-3 tháng. Sau đó, Quốc hội sẽ cần nâng trần nợ công hoặc thông qua một bước đình chỉ trần nợ công mới để tránh cho Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Trước đó, trong thư gửi các nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ hôm 23/7, bà Janet Yellen đã cảnh báo nguy cơ chính phủ Mỹ đối diện với tình trạng vỡ nợ ngay trước mắt: “Nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ công hoặc đình chỉ trần nợ trước ngày 2/8/2021, Bộ Tài chính có thể buộc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt bổ sung để ngăn nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ”.

Mặc dù chính phủ Mỹ chưa bao giờ rơi vào tình trạng vỡ nợ, nhưng các nhà quan sát cảnh báo nguy cơ vỡ nợ có thể gây ra những tác động tồi tệ cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu đã là một trong những tài sản an toàn bậc nhất hành tinh, được xem như tiêu chuẩn đo lường tất cả các rủi ro khác trong nền kinh tế. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu có thể thúc đẩy lãi suất tăng vọt, làm tăng chi phí vay trong mọi lĩnh vực từ thế chấp nhà ở đến trả góp ô tô. Thị trường chắc chắn sẽ biến động mạnh mẽ và lao dốc.


NTTD
Cùng chuyên mục