Người nuôi lợn đang thành... con nợ!

20/05/2019 11:21 GMT+7
Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần. Trong khi các chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng méo mặt vì những khoản nợ trong dân ngày một nhiều mà chẳng thể đòi

Câu chuyện thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định.  

Tiền đâu trả nợ?

Là thương binh hạng 3/4, tỷ lệ thương tật 41%, sức khỏe có hạn nên hơn 10 năm nay, ông Vũ Văn Mạnh (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu) chọn con lợn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nuôi lợn mà cuộc sống của gia đình ông có của ăn của để, đời sống được nâng lên.

Ông Vũ Văn Mạnh, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu băn khoăn chưa biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng và đại lý cám. Ảnh: Mai Chiến.

Nhưng cũng chính bởi con lợn, mà gia đình ông Mạnh phải ôm một khoản nợ lớn, lên đến tiền trăm (trăm triệu - PV). Nhìn đàn lợn đang lớn nhanh như thổi bỗng mắc dịch, phải đem đi tiêu hủy mà ông ứ nước mắt, miệng méo xệch, không nói lên lời.

Ông Mạnh chia sẻ, đã nhiều năm chăn nuôi lợn, ông chưa bao giờ gặp bệnh dịch này. Một loại bệnh dịch có tốc độ lây lan nhanh, gây chết hàng loạt, nằm như ngả rạ, còn nguy hiểm hơn dịch tai xanh và lở mồm long móng. Không biết bao giờ gia đình mới tái đàn trở lại được.

“Dịch đã cướp trắng của gia đình nhà tôi 40 con lợn. Tổng trọng lượng trên 1,7 tấn. Thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tới đây, gia đình không biết lấy tiền ở đâu ra để trả nợ ngân hàng và đại lý cám”, ông Mạnh buồn bã nói.

Nhẩm tính của ông Mạnh, hiện ông đang nợ hơn 50 triệu đồng tiền cám của đại lý, 50 triệu đồng vay ngân hàng với lãi suất phải trả hàng năm là 9% và một số khoản nợ cũ nữa mà ông không kể đến.

Chỉ tay vào đàn vịt, đàn gà mới mua được nửa tháng nay, ông Mạnh bảo, lợn chết, tiền cạn túi nhưng gia đình vẫn phải bấm bụng đi vay anh em họ hàng một khoản tiền để mua 100 con vịt, 50 con gà về nuôi tại chuồng lợn đang bỏ trống. Chứ ngồi chơi không lại nghĩ ngợi, mệt mỏi ra…

Chuồng trại sạch bách, ông Mạnh vay tiền mua vịt giống về nuôi. Ảnh: Mai Chiến.

Cách đó không xa là hộ gia đình ông Vũ Văn Động - một trong những hộ chăn nuôi lợn cũng vừa bị DTLCP càn quét, buộc phải tiêu hủy hơn 40 con. Tổng trọng lượng trên 2 tấn lợn.

Ngồi thất thần trong căn nhà cấp 4, ông Động cho hay, năm 2016, gia đình ông bắt đầu chăn nuôi lợn. Hai lứa lợn đầu tiên, chăn nuôi có lãi, gia đình ông phấn khởi lắm. Những tưởng, chăn nuôi lợn dễ “hái ra tiền”, lứa sau ông mạnh dạn nâng đàn.

Nào ngờ, người tính không bằng trời tính, sang những lứa nuôi tiếp theo thì gia đình ông bắt đầu “chết dần, chết mòn”. Năm 2017, chưa kịp hoàn hồn bởi cơn “bão giá” thì đến cuối năm 2018, dịch lở mồm long móng bùng phát khiến gia đình ông điêu đứng. Số tiền lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.

“Giờ thì chết hẳn rồi! Vừa rồi, gia đình phải tiêu hủy 40 con lợn. Trọng lượng trên 2 tấn, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, nợ cũ vẫn chưa trả hết. Tiền lãi hàng tháng vay tín dụng vẫn phải trả 1 triệu đồng. Giờ, gia đình chỉ còn biết trông chờ vào tiền hỗ trợ để trả nợ”, ông Động than thở.  

Đại lý cám chung số phận

Không chỉ những hộ chăn nuôi lợn than thở, buồn bã vì một đống nợ chưa trả hết, mà những ông chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng “kêu giời kêu đất” vì phải ôm một khoản nợ lớn khó đòi.

Anh Phạm Văn Lượng, một chủ đại lý cám ở huyện Hải Hậu cho biết, trước đây khi chưa xuất hiện DTLCP, mỗi tháng gia đình anh bán ra ngoài thị trường trên dưới 20 tấn cám. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, số lượng cám bán ra ngoài đã giảm hơn một nửa.

Theo lời kể của anh Lượng, gia đình anh bán chịu cho người dân rất nhiều, số tiền cho người dân nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Thông thường, cứ sau 1 lứa lợn, khoảng 6 tháng thì người dân đem tiền đến trả một cục.

Đàn lợn con may mắn sót lại của một gia đình ở huyện Hải Hậu. Ảnh: Mai Chiến.

Song, nhiều tháng nay, lợn bị dịch, phải đưa đi tiêu hủy nên người dân không biết lấy tiền đâu ra để trả nợ. Gia đình anh đành phải ôm một khoản nợ lớn nhưng không dám đòi.

“Mình không thể bắt ép người dân trả nợ cho mình được, bởi vì thu nhập chính của họ chỉ biết trông chờ vào đàn lợn.

Giờ lợn chết, thì họ lấy tiền đâu ra mà trả nợ. Gia đình buộc phải giãn nợ cho họ để họ trả dần dần. Chủ yếu kinh doanh là phải tin tưởng nhau, chấp nhận rủi ro chứ giờ không biết làm sao”, anh Lượng bộc bạch.

Cũng giống như anh Lượng, gia đình anh Trịnh Văn Kiên, một đại lý buôn bán cám đóng trên địa bàn xã Hải An, huyện Hải Hậu chia sẻ: Trước đây, mỗi tháng, gia đình anh bán khoảng 100 tấn cám cho các hộ chăn nuôi, đại lý nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, số lượng cám bán ra thị trường giảm mạnh khiến gia đình cũng đau đầu.

“Đối với các hộ chăn nuôi mua chịu, chưa trả được tiền cám, gia đình đành phải giãn nợ cho họ. Giờ có đòi, cũng không lấy được tiền mà anh em lại mất lòng nhau…”, anh Kiên thổ lộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho hay, DTLCP có diễn biến phức tạp. Đến hết ngày 15/5, toàn huyện đã tiêu hủy 2.294 tấn lợn của 35 xã, thị trấn.

Nhìn chung cơ bản các xã, thị trấn đã thực hiện tốt yêu cầu công tác phòng, chống và tiêu hủy lợn bị bệnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, dịch lây lan quá nhanh nên không thể khống chế được.

Chủ đại lý cám Phạm Văn Lượng chán chường khi nói về việc kinh doanh, thu hồi nợ trong dân. Ảnh: Mai Chiến.

Chia sẻ về những khó khăn của chủ hộ chăn nuôi và các đại lý kinh doanh thức ăn trên địa bàn huyện trong giai đoạn này, ông Kỳ thừa nhận, đã chăn nuôi thì phải xác định nhiều rủi ro. Mong sao, người dân và các đại lý cám vượt qua khó khăn lúc này…

Cũng theo ông Vũ Văn Kỳ, lãnh đạo huyện Hải Hậu đã làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội, tới đây là Ngân hàng NN-PTNT về hướng hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ vay vốn chăn nuôi. Huyện cũng đã và đang hoàn thiện hồ sơ gửi UBND tỉnh Nam Định về việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục