Người trồng không mặn mà với cây thuốc lá, nguyên nhân do đâu?
Diện tích trồng giảm mạnh
Được đánh giá là cây trồng có giá trị kinh tế, dễ trồng, dễ chăm sóc, giúp người dân nhiều địa phương xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, diện tích vùng trồng cây thuốc lá ngày càng bị thu hẹp.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mặc dù tỉnh Lạng Sơn luôn xác định cây thuốc lá là cây trồng quan trọng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích trồng cây thuốc lá trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Nếu như năm 2014 là 5.776 ha thì đến năm 2020 giảm xuống còn 1.995 ha.
Có nhiều nguyên do khiến người trồng không còn mặn mà với cây thuốc lá, nhưng chủ yếu do đặc điểm địa hình nên điều kiện khí hậu, thời tiết tại Lạng Sơn vụ xuân hàng năm thường xuyên gặp rét hại giai đoạn vườn ươm, giai đoạn đồng ruộng thiếu nước, giai đoạn hái sấy lại gặp mưa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất nguyên liệu cây thuốc lá.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của tập quán canh tác lạc hậu, tư tưởng bảo thủ cũng như trình độ hạn chế của bà con nông dân dẫn đến việc đưa kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Diện tích trồng cây thuốc lá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng giảm. Nếu như năm 2014 là 5.776 ha thì đến năm 2020 giảm xuống còn 1.995 ha. Tổng giá trị sản xuất cây thuốc lá thu đạt 182 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 80 triệu đồng.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển lao động nông thôn từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp đã làm thiếu nguồn lao động khiến diện tích trồng thuốc lá đang có xu hướng giảm. Đặc biệt là yếu tố cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư dẫn đến tâm lý không ổn định của người trồng và hoạt động sản xuất, thu mua nguyên liệu diễn ra trong bối cảnh vùng trồng nguyên liệu có xu hướng thu hẹp trong khi doanh nghiệp được cấp phép gia tăng làm méo mó thị trường hoạt động.
"Lạng Sơn luôn xác định cây thuốc lá là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của một số huyện trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn”, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Thiệu, với hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đầu ra cơ bản được bao tiêu, người trồng thuốc lá được đầu tư vật tư nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật đã tạo ra cơ hội lớn cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các vùng khó khăn, biên giới nói riêng thoát nghèo bền vững và có thể làm giàu từ đồng ruộng.
Để đảm bảo ổn định tiêu thụ nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Công ty Cổ phần Ngân Sơn đã liên kết đầu tư, tiêu thụ nguyên liệu thuốc lá với 6 huyện (Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Bình Gia, Hữu Lũng, Lộc Bình).
Vụ Xuân năm 2020, công ty cam kết sản xuất, thu mua trên địa bàn các huyện với tổng diện tích gần 1.400 ha, sản lượng 3.090 tấn. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng với diện tích khoảng 1.200 ha…
Cần quan tâm, đầu tư, phát huy liên kết “4 nhà”
Theo lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thì Lạng Sơn luôn được xác định là vùng nguyên liệu thuốc lá trọng điểm. Những năm qua, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị vùng nguyên liệu vận dụng tốt mối liên liên kết “4 nhà -nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông dân"
Vì vậy, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam mong muốn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các huyện phối hợp trong quản lý, phát triển cây thuốc lá để hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo, được thu mua và tiêu thụ ổn định giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Để tiếp tục tạo sự ổn định và bền vững cho vùng nguyên liệu, Công ty Cổ phần Ngân Sơn kiến nghị không giao diện tích cho các doanh nghiệp khác chồng lấn với khu vực công ty đã đầu tư cũng như duy trì và ổn định vùng nguyên liệu với nhà đầu tư chuyên nghiệp để tạo ra các vùng nguyên liệu có chất lượng trong nước.
Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường hướng dẫn người dân lựa chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết, có chuyên đề phát triển cây thuốc lá; tăng cường quản lý cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cây thuốc lá, quản lý chặt chẽ, đẩy mạnh công tác hậu kiểm; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh thuốc lá.
UBND các huyện Văn Quan, Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng... chỉ đạo phát triển cây thuốc lá theo định hướng nghị quyết của các xã, huyện đã đề ra; tập trung xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên về phát triển cây thuốc lá, chủ động ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Ngân Sơn và các công ty khác đủ điều kiện trong phát triển cây thuốc lá…
Đồng thời, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh đề nghị Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng như Công ty Cổ phần Ngân Sơn thời gian tới tập trung đầu tư theo chiều sâu; mở rộng diện tích trồng, nâng cao chất lượng, sản lượng cây thuốc lá. Thực hiện nghiêm túc các hợp đồng đã ký với người dân, quan tâm công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn các xã; chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở, ngành của địa phương để thông tin, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; đặc biệt, cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong tiêu thụ cây nguyên liệu thuốc lá.
Năm 2020, diện tích cây thuốc lá của tỉnh là 1.995 ha, trồng tại 6 huyện: Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Binh. Việc sản xuất cây nguyên liệu thuốc lá đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình thu 40 – 45 triệu đồng/vụ/hộ (tăng gấp 2 – 2,5 lần trồng lúa); giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hằng năm có trên 11 nghìn hộ trồng thuốc lá và ước khoảng 20 nghìn lao động tham gia sản xuất.