Philippines tìm cách nhập thêm 330.000 tấn gạo, cơ hội vàng cho gạo Việt

16/04/2023 11:23 GMT+7
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp thâm hụt dự kiến trong kho dự trữ. Đây được xem là cơ hội vàng cho gạo Việt...

Gạo nội tiếp tục điều chỉnh tăng, thị trường sôi động

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp thâm hụt dự kiến trong kho dự trữ, giữa lúc chính phủ Philippines đang tìm cách kiềm chế giá cả của loại lương thực chủ lực này và hạn chế áp lực gia tăng đối với lạm phát.

NFA cần tăng cường dự trữ đệm cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, song việc tăng cường mua gạo từ nông dân có thể đẩy giá lương thực trong nước lên cao hơn.

Dữ liệu của Chính phủ Philippines cho thấy giá gạo ở nước này đã tăng cao hơn, với loại rẻ nhất hiện được bán ở mức 36-44 peso (0,65- 0,8 USD)/kg, tăng từ mức 35-38 peso/kg hồi đầu năm.

Trong khi đó, lạm phát dù đã giảm trong tháng 3 xuống còn 7,6%, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu chính thức là 2%-4%. Hiện nay, Philippines đang cân nhắc triển khai các biện pháp phi tiền tệ nhằm giải quyết áp lực giá cả, trong khi ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất.

Theo tuyên bố, tồn kho gạo cuối năm của Philippines ước tính khoảng 1,69 triệu tấn, tương đương với lượng dự trữ đệm trong 45 ngày, chỉ bằng một nửa so với mức dự trữ lý tưởng trong 90 ngày cần thiết để ổn định giá cả.

NFA đang tìm kiếm một thỏa thuận liên chính phủ để nhập khẩu gạo. Hiện tại, chỉ các thương nhân tư nhân mới được phép nhập khẩu gạo, trong khi chức năng của NFA chỉ giới hạn trong việc dự trữ đệm khẩn cấp.

Là một trong những nước mua gạo lớn nhất thế giới, Philippines thường nhập khẩu phần lớn nhu cầu gạo từ Việt Nam, cũng như từ một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ và các nhà sản xuất khác ở châu Á.

Với thị trường Philippines, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, động thái trên của Philippines phù hợp với thông tin trước đó, USDA dự báo nhập khẩu gạo của của nước này trong năm nay sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn nhằm bù đắp cho sự sụt giảm về sản lượng và tiêu thụ tăng cao.

USDA cho biết sản lượng gạo của Philippines trong năm 2023 được dự báo ở mức 12,4 triệu tấn, giảm hơn 129.000 tấn so với năm ngoái. Trong khi tiêu thụ gạo của nước này dự kiến tăng lên mức kỷ lục 15,7 triệu tấn từ mức 15,4 triệu tấn của năm ngoái.

Philippines tìm cách nhập thêm 330.000 tấn gạo, cơ hội vàng cho gạo Việt - Ảnh 1.

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp thâm hụt dự kiến trong kho dự trữ. Đây được xem là cơ hội vàng cho gạo Việt.

Trong tháng 2/2023 xuất khẩu gạo của ta sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh trên 111,4% về lượng và tăng 117,7% kim ngạch so với tháng 1/2023, đạt 273.331 tấn, tương đương 140,49 triệu USD. 

Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2023, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 401.975 tấn, tương đương 204,69 triệu USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3 của nước ta đạt kỷ lục 961.608 tấn, trị giá gần 509 triệu USD, tăng 80% về lượng và 78% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 81% về lượng và 93,5% về trị giá.

Với kết quả này, xuất khẩu gạo đã đảo chiều từ mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm sang tăng trưởng dương sau quý I/2023, với khối lượng đạt 1,8 triệu tấn với giá trị lên đến 981,4 triệu USD,  tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với quý I năm ngoái.

Giá gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt bình quân 529 USD/tấn, tăng 8,8% (tương đương 43 USD/tấn) so với cùng kỳ.

Trong đó, giá xuất khẩu bình quân sang các thị trường chủ chốt như Philippines tăng 41 USD/tấn lên 504 USD/tấn; Trung Quốc tăng 75 USD/tấn lên 585 USD/tấn… Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Pháp, Tây Ban Nha dao động ở mức khá cao từ 700 – 758 USD/tấn.

Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất trong tháng 3 với khối lượng lên đến 491.279 tấn, trị giá 245,7 triệu USD, tăng 3,6 lần về lượng và gần 4 lần về trị giá so với tháng 3 năm ngoái. Lũy kế đến hết quý I năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 893.254 tấn, trị giá 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và 44,8% về giá trị so với cùng kỳ.

Philippines chiếm 48,2% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, tăng so với mức 44,7% của quý I năm ngoái.

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng 3, giảm 0,5% so với tháng 2 nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Philippines tìm cách nhập thêm 330.000 tấn gạo, cơ hội vàng cho gạo Việt - Ảnh 2.

Được biết, giá lúa gạo hôm nay 16/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục điều chỉnh tăng 50 đồng/kg với mặt hàng gạo, trong khi giữ ổn định với mặt hàng lúa.

Được biết, giá lúa gạo hôm nay 16/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục điều chỉnh tăng 50 đồng/kg với mặt hàng gạo, trong khi giữ ổn định với mặt hàng lúa.

Theo đó, tại kho An Giang lúa IR 504 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.200 – 6.400 đồng/kg; Nàng hoa 9 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; OM 5451 duy trì ở mức 6.400 – 6.500 đồng/kg; hiện lúa Đài thơm 8 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; nếp tươi Long An ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; giá lúa nếp tươi An Giang ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg; Nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định ở mức 9.300 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm điều chỉnh tăng 50 đồng/kg lên mức 10.450 – 10.500 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 dao động quanh mốc 9.100 đồng/kg; cám khô duy trì ở mức 7.200 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh. Theo đó, gạo thường còn 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 – 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 – 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay gạo nguyên liệu về ít, giá gạo có xu hướng tăng trở lại. Giá lúa tươi bình ổn, lúa nếp giảm, giá lúa hè thu sớm ở mức cao. Trong tuần qua, giao dịch gạo nội địa tốt, mặt bằng giá các chủng loại gạo cao hơn từ 200 – 300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá lúa Đông Xuân điều chỉnh tăng từ 100 – 300 đồng/kg với một số loại lúa. Nhu cầu lúa Hè Thu nhiều, nông dân chào giá lúa Đài thơm 8, OM 18 tăng nhẹ.

Ngành gạo hưởng lợi nhờ lực cầu ở thị trường xuất khẩu tăng mạnh 

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm đang ở mức 473 USD/tấn; gạo 25% tấm 453 USD/tấn.

Trong khi giá gạo Việt Nam duy trì ổn định thì tuần qua, giá gạo Thái Lan và Pakistan liên tục điều chỉnh tăng. Hiện gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại Thái Lan 11 – 17 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 4 – 20 USD/tấn.

Trong tuần qua, giao hàng đi Philippines, Trung Quốc và Malaysia chiếm 76% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu đi các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng. Riêng gạo Jasmine đi thị trường Châu Phi giảm 5 – 10 USD/tấn so với tuần trước đó.

Tại thị trường Philippines, giao hàng gạo đi thị trường Philippines vẫn trên đà tăng so với tuần trước đó. Giá giao hàng Đài thơm 8 và OM 18 biến động trái chiều.

Tại thị trường Trung Quốc, lượng giao hàng gạo đi thị trường này khá ổn định trong 2 tuần qua. Khách hỏi mua gạo nếp và tấm nếp nhiều.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức 385-392 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 383-389 USD/tấn trước đó do đồng rupee tăng giá và nhu cầu đang tăng. Người mua đang "ưu tiên" gạo Ấn Độ hơn vì giá thấp hơn so với giá gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Trong khi đó nếu tính chung cả tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 465-473 USD/tấn, tăng so với mức 460 USD/tấn một tuần trước. Hiện nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý đầu tiên gia tăng. Philippines và Trung Quốc vẫn là những khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu tiên.

Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 485-490 USD/tấn so với mức 480-482 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà xuất khẩu đang đổ xô mua gạo để đáp ứng các đơn đặt hàng đến từ những nơi như Indonesia. Nguồn cung trong nước cũng đang thắt chặt vì đã đến cuối vụ và sẽ có thêm nguồn cung vào tháng 6 và tháng 7/2023.

VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý II sẽ tích cực hơn so với quý I/2023. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên.

Cùng với đó, các thị trường như Philippines, Trung Quốc và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để dự trữ lương thực.

Trong báo cáo ngành nông nghiệp, công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng  nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán).

Philippines tìm cách nhập thêm 330.000 tấn gạo, cơ hội vàng cho gạo Việt - Ảnh 3.

VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý II sẽ tích cực hơn so với quý I/2023.

Các cơ quan chức năng đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, các Bộ ngành đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân.

VNDirect cũng chỉ rủi ro ngành gạo Việt Nam là việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục