Gạo phẩm cấp cao chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam
Giá lúa gạo hôm nay 19/4: Tăng với mặt hàng gạo, thị trường sôi động
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023 cả nước xuất khẩu 961.608 tấn gạo, tương đương 508,97 triệu USD, giá trung bình 529,3 USD/tấn, tăng 79,9% về lượng và tăng 77,9% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 1,1% về giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 cũng tăng 81% về lượng, tăng 93,6% kim ngạch và tăng 7% về giá.
Trong tháng 3/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh 79,7% về lượng và tăng 74,9% về kim ngạch so với tháng 2/2023, đạt 491.279 tấn, tương đương 245,74 triệu USD; và cũng tăng 261,4% về lượng, tăng 295,2% kim ngạch, tăng 9,4% về giá so với tháng 3/2022. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 3/2023 cũng tăng mạnh 78,5% về lượng và tăng 77% kim ngạch so với tháng 2/2023, đạt 187.746 tấn, tương đương 109,06 triệu USD; so với tháng 3/2022 cũng tăng 94,9% về lượng, tăng 118% kim ngạch.
Tính chung cả quý I/2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,85 triệu tấn, tương đương gần 981,39 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng, tăng 34,3% về kim ngạch so với quý I/2022, giá trung bình đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,2% trong tổng lượng và chiếm 45,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 893.254 tấn, tương đương 450,43 triệu USD, giá trung bình 504,3 USD/tấn, tăng 32,9% về lượng, tăng 44,8% về kim ngạch và tăng 9% về giá so với quý I/2022.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 18,4% trong tổng lượng và chiếm 20,3% trong tổng kim ngạch, đạt 340.385 tấn, tương đương 199,07 triệu USD, giá trung bình 584,8 USD/tấn, tăng mạnh 91% về lượng và tăng 119,2% kim ngạch; giá tăng 14,8% so với quý I/2022.
Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 148.587 tấn, tương đương 69,73 triệu USD, giá 469,3 USD/tấn, tăng mạnh 17.932% về lượng và tăng 17.663% kim ngạch nhưng giảm 1,5% về giá so với quý I/2022, chiếm 8% trong tổng lượng và chiếm 7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 1,49 triệu tấn, tương đương 777,35 triệu USD, tăng 54,3% về lượng, tăng 69% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 115.154 tấn, tương đương 60,3 triệu USD, giảm 1,2% về lượng nhưng tăng 4,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 1,15 triệu tấn, tương đương 573,86 triệu USD, tăng 46,8% về lượng, tăng 57,8% kim ngạch.
Giá lúa gạo hôm nay 19/4 tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với mặt hàng gạo. Thị trường giao dịch sôi động, giá lúa tiếp tục neo cao. Nhu cầu mua lúa tăng cao do xuất khẩu đang tốt nên giá lúa Đông Xuân hầu như duy trì ở mức cao.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Cần Thơ, giá lúa tăng ở một số loại như OM 4218 tăng 600 đồng/kg lên 7.200 đồng/kg; IR 50404 cũng tăng với mức tương tự lên 6.800 đồng/kg, riêng Jasmine vẫn giữ ổn định 7.600 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá lúa tăng ở một số loại như IR 50404 là 7.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng RVT giảm 100 đồng/kg còn 8.200 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì đi ngang như ST 24 là 8.300 đồng/kg; OM 4900 là 6.700 đồng/kg; Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang ổn định ở một số loại như Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg; IR 50404 là 6.500 đồng/kg; riêng lúa OC10 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.800 đồng/kg.
Còn tại An Giang, tuần qua nhiều loại lúa tiếp tục có sự tăng giá. Lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.400-6.500 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400-6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.600-6.800 đồng/kg.
Những loại có sự tăng giá như Nàng hoa 9 từ 6.600-6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200-6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Với nếp vẫn có sự duy trì giá ổn định, tại An Giang có giá từ 6.100-6.200 đồng/kg; nếp Long An từ 6.600-6.800 đồng/kg.
Trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản...) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm khoảng 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600-1.000 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm đang ở mức 473 USD/tấn; gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 465-470 USD/tấn, tăng so với mức 460 USD/tấn một tuần trước.
Doanh nghiệp cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý đầu tiên gia tăng. Philippines và Trung Quốc vẫn là những khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu tiên. Không chỉ Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu đã ghi nhận giá tăng trong tuần qua do lượng đơn đặt hàng tăng.
Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức từ 385-392 USD/tấn trong tuần qua, tăng so với mức từ 383-389 USD/tấn trước đó do đồng rupee tăng giá. Nhu cầu với gạo Ấn Độ đang tăng. Người mua đang "ưu tiên" gạo Ấn Độ hơn vì giá thấp hơn so với giá gạo của Thái Lan và Việt Nam.
Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 485-490 USD/tấn so với mức 480-482 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà xuất khẩu đang đổ xô mua gạo để đáp ứng các đơn đặt hàng đến từ những nơi như Indonesia. Nguồn cung trong nước của Thái Lan cũng đang thắt chặt vì đã đến cuối vụ và sẽ có thêm nguồn cung vào tháng 6 và tháng 7/2023.
Bangladesh, nước đang tích cực mua gạo từ nông dân trong nước để đảm bảo mức giá hỗ trợ, đang xây dựng kho dự trữ cho các chương trình phúc lợi của nhà nước và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, sẽ tăng mức giá thu mua từ 40 taka/kg (0,38 USD/kg) trong một năm trước lên 44 taka/kg (0,41 USD/kg). Chính phủ nước này sẽ mua 1,2 triệu tấn gạo từ nông dân địa phương bắt đầu từ ngày 7/5-31/8.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn "rộng cửa" trong dài hạn. Với những thị trường khó tính như: Châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn rất lớn trong dài hạn với nhiều thị trường tiềm năng.
Fitch Solutions mới đây dự báo, thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023. Giá gạo dự kiến sẽ duy trì quanh mức cao hiện tại cho đến năm 2024, theo báo cáo của Fitch Solutions Country Risk & Industry Research ngày 4/4.
Do gạo là mặt hàng lương thực chính ở nhiều thị tường châu Á nên giá mặt hàng này là yếu tố quyết định đến lạm phát giá lương thực và an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo.
Theo báo cáo, giá thóc trung bình dự kiến duy trì ở mức 17,3 USD/cwt cho đến năm 2023 và sẽ chỉ giảm xuống còn 14,5 USD/cwt vào năm 2024. Cwt (hundredweight) là một đơn vị đo lường cho một số mặt hàng như gạo (1 cwt = 45,4 kg).
Báo cáo dự báo niên vụ 2022 - 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo, mức thâm hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004.