Nguồn cung hàng hoá nào sẽ bị ảnh hưởng nếu Nga bị trừng phạt
Mỹ và các nước châu Âu đe doạ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga nếu nước này có hành động vũ trang với Ukraine. Điều này dấy lên lo ngại rằng nguồn cung các hàng hoá chính được sản xuất và xuất khẩu từ Nga sẽ bị gián đoạn.
Hiện tại, giá nickel và nhôm lên mức cao nhất trong nhiều năm cũng vì tâm lý này.
Nhôm
Hầu hết nhà sản xuất nhôm của Nga tới nay đều thoát khỏi các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào lãnh thổ năm 2014.
Duy có Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới nếu không tính Trung Quốc, vẫn đang bị Mỹ trừng phạt. Tập đoàn này sản xuất 3,8 triệu tấn nhôm vào năm 2021, chiếm khoảng 6% sản lượng ước tính của thế giới. Châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ là những thị trường chính của Rusal. Trong đó, công ty khai thác và kinh doanh hàng hoá Glencore có hợp đồng mua nhôm nguyên sinh từ Rusal đến năm 2025.
Cobalt
Số liệu từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho thấy Nga sản xuất được 7.600 tấn cobalt trong năm ngoái, chiếm hơn 4% tổng sản lượng của thế giới. Nga là nước sản xuất cobalt lớn thứ hai thế giới, sau Cộng hoà Dân chủ Congo với sản lượng 120.000 tấn.
Nornickel là nhà sản xuất cobalt lớn nhất ở Nga với doanh số bán hàng đạt 5.000 tấn trong năm 2021. Sản phẩm của Nornickel chủ yếu được bán sang châu Âu.
Đồng
Theo USGS, sản lượng đồng tinh chế của Nga trong năm 2021 đạt 920.000 tấn, chiếm khoảng 3,5% tổng sản lượng thế giới, trong đó, Nornickel sản xuất được 406.841 tấn. UMMC và Russian Copper Company là hai nhà sản xuất đồng lớn khác của nước này.
Đồng của Nga chủ yếu được xuất khẩu sang châu Á và châu Âu.
Nickel
Nornickel là nhà sản xuất nickel tinh luyện hàng đầu thế giới, với sản lượng năm 2021 đạt 193,006 tấn, tương đương khoảng 7% sản lượng toàn cầu. Nornickel chủ yếu bán hàng cho các doanh nghiệp công nghiệp trên toàn cầu theo hợp đồng dài hạn.
Palladium và bạch kim
Nornickel cũng là nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới với sản lượng năm ngoái đạt 2,6 triệu ounce, tương đương 40% sản lượng khai thác toàn cầu. Đây cũng là nhà sản xuất bạch kim lớn với sản lượng chiếm 10% nguồn cung của thế giới. Năm 2021, sản lượng bạch kim của tập đoàn này là 641.000 ounce.
Vàng
Nga là nước sản xuất vàng lớn thứ 3 thế giới, sau Australia và Trung Quốc. Nguồn cung vàng của nước này chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu, với sản lượng năm ngoái đạt 3.500 tấn, theo Hội đồng Vàng Thế giới.
Các công ty sản xuất vàng lớn ở Nga gồm Polyus và Polymetal. Các nhà khai thác mỏ của Nga chủ yếu bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại trong nước, nơi mà sau đó sẽ xuất khẩu chúng ra nước ngoài.
Thép
Năm 2021, Nga sản xuất 76 triệu tấn thép, tương đương gần 4% tổng sản lượng toàn cầu, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Severstal, NLMK, Evraz, MMK và Mechel là những nhà sản xuất thép lớn của nước này. Họ xuất khẩu khoảng một nửa sản lượng thép ra nước ngoài, chủ yếu sang châu Âu.
Ngoài ra, Nga còn có công ty Metalloinvest chuyên sản xuất các sản phẩm từ quặng sắt và TMK chuyển sản xuất ống thép.
Kim cương
Alrosa, nhà sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới và là đơn vị thuộc sở hữu của chính phủ Nga, sản xuất 32,4 triệu carat kim cương trong năm 2021, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng toàn cầu. Kim cương của công ty này được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Phân bón
Nga là nước sản xuất phân kali, phân lân và phân bón chứa nitơ lớn của thế giới. Sản lượng phân bón hàng năm của nước này đạt hơn 50 triệu tấn, tương đương 13% tổng nguồn cung toàn cầu. Trong đó, Phosagro, Uralchem, Uralkali, Acron và Eurochem là những nhà sản xuất lớn nhất. Họ chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Á và Brazil.
Lúa mì
Nhắc tới Nga thì không thể nhắc tới lúa mì, bởi đây là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là hai khách hàng chính của nước này.
Năm 2021, sản lượng lúa mì của Nga đạt 76 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán nước này xuất khẩu 35 triệu tấn trong vụ mùa kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 6 năm nay, tương đương 17% nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, Nga bắt đầu hạn chế xuất khẩu ngũ cốc từ năm ngoái bằng việc áp hạn ngạch và thuế xuất khẩu, nhằm kiềm chế lạm phát. Thị trường toàn cầu đang lo ngại nguồn cung lúa mì có thể bị gián đoạn nghiêm trọng hơn nếu xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang, gây ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đen, tuyến đường xuất khẩu lúa mì chính của hai nước.