Nhu cầu dầu diesel tại Trung Quốc giảm sâu - dấu hiệu của suy thoái kinh tế?
Cụ thể, cầu về dầu diesel tại Trung Quốc đã giảm 14% trong tháng 3/2019 và 19% trong tháng 4/2019, theo dữ liệu được công bố bởi Ngân hàng Wells Fargo. Con số này thực chất đã bắt đầu giảm từ tháng 12/2017, và ngày càng cho thấy những dấu hiệu bất ổn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Biểu đồ cầu diesel của Trung Quốc từ năm 2006 đến nay (Nguồn: Ngân hàng Wells Fargo, Bloomberg)
Nhà phân tích năng lượng thuộc Wells Fargo, ông Roger Read, cho hay: “Tôi tin rằng sự suy giảm nhu cầu dầu diesel tại Trung Quốc là hệ quả trực tiếp của chiến tranh thuế quan với Mỹ. Điều này thật sự đáng lo ngại”.
Theo một số liệu mới được chính phủ Trung Quốc công bố, tăng trưởng kinh tế nước này đạt 6.4% trong quý I/2019. Tuy vậy, các nhà kinh tế toàn cầu và giới đầu tư đề tỏ ra nghi ngờ về số liệu này, dựa trên sự căng thẳng leo thang trong xung đột thương mại và những tác động sâu sắc kèm theo.
Sự hoài nghi đã khiến các nhà phân tích kinh tế sử dụng nhiều cách thức để đo lường lại tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, trong đó các thước đo về nhu cầu diesel và điện chiếm vai trò quan trọng. Diesel được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu vận chuyển hàng hóa, một khi nhu cầu diesel giảm, đó có thể coi là dấu hiệu rõ ràng của sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế.
Trong những diễn biến mới nhất của xung đột thương mại, cả Mỹ và Trung đã có những đòn giáng lên số hàng hóa nhập khẩu trị giá nhiều tỷ USD. Đầu tháng 5/2019, trong khi Trump tăng thuế từ 10% lên 15% với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng có biện pháp tăng thuế tương tự nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; dẫn đến hiệu ứng gợn sóng lan khắp thị trường tài chính. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% trong khi Shanghai Composite mất 5.5% vào tuần trước do căng thẳng thương mại leo thang.
Không một dấu hiệu nhượng bộ nào được Bắc Kinh và Washington nhắc đến. Tổng thống Donald Trump phát biểu hôm Thứ Hai: "Mỹ chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc". Còn một bài phân tích trên tờ Tân Hoa Xã lại khẳng định: "Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp bất cứ yêu sách nào của Mỹ có tác động đến nền kinh tế nhà nước".
Những căng thẳng thương mại có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm từ 0.3 - 0.4% trong tháng 4, nhà phân tích kinh tế Anna o của UBS cho hay. Ông còn nói thêm, các nền kinh tế mở như Singapore, Hàn Quốc thường nhạy cảm hơn với xung đột thương mại, và có thể cũng chịu chung tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trong một diễn biến khác, lượng du khách Trung Quốc đến Hoa Kỳ năm 2018 đã giảm lần đầu tiên trong vòng 15 năm, theo thống kê mới được công bố trên tờ South China Morning Post.