Những "chìa khóa" nào để mở cánh cửa thỏa thuận thương mại Mỹ Trung?
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G20 đã kết thúc đầy bất ngờ, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý nối lại đàm phán thương mại.
Để thể hiện thiện chí của mình, hai bên tuyên bố không có kế hoạch trừng phạt thuế quan lên hàng hóa của đối phương trong thời điểm hiện tại, đồng nghĩa với việc Mỹ nhượng bộ đình chỉ thuế quan với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trump còn gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ giảm bớt cấm vận, cho phép Huawei tiếp tục nhập khẩu linh kiện và công nghệ Mỹ. Ở phía ngược lại, Trung Quốc được cho là đã đồng ý tiếp tục nhập khẩu nông sản Mỹ.
Kỳ vọng đình chiến hay chỉ là khoảng lặng trước bão?
Có rất ít thông tin từ cuộc gặp gỡ tại G20 để thị trường có thể kỳ vọng về những thỏa hiệp mang tính đột phá giữa hai bên, có nguy cơ sẽ đưa đàm phán ra khỏi thế bế tắc. Cả Mỹ và Trung Quốc trở lại đúng hướng, tức là ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng đàm phán sẽ diễn ra thế nào vẫn là câu hỏi không lời đáp, và mối đe dọa thuế quan của Trump vẫn lơ lửng khiến thị trường lo ngại.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, dỡ bỏ 1 phần lệnh cấm vận với Huawei là giải pháp tạm thời của ông Trump để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán thương mại, thì điều này vẫn khiến cổ phiếu công nghệ tăng trưởng đầy kỳ vọng. Có vẻ như các công ty Mỹ sẽ được cấp giấy phép xuất khẩu linh kiện, công nghệ cho Huawei, miễn là nó không gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia. Còn Huawei hiện vẫn nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, ông Trump tuyên bố vấn đề liên quan đến gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sẽ được lưu lại cho đến khi cuộc đàm phán kết thúc.
Một lần nữa, Mỹ và Trung Quốc trở lại tình huống tương tự như trước ngày 6.5, khi chiến tranh thương mại chưa leo thang bởi hàng loạt cáo buộc và biện pháp phi thuế quan.
Đàm phán thương mại Mỹ Trung sẽ tái khởi động vào tuần sau
Theo chiến lược gia đầu tư Ivan Martchev, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổn thất lớn nếu thương chiến vượt ngoài tầm kiểm soát và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, như những gì quỹ tiền tệ Quốc tế IMF từng cảnh báo. IMF dự đoán tổng GDP của kinh tế toàn cầu sẽ đạt hơn 87 nghìn tỷ USD năm 2019, trong đó 21.3 nghìn tỷ USD (khoảng 25%) đến từ Mỹ và 14,2 nghìn tỷ USD (khoảng 16%) sẽ đến từ Trung Quốc.
Nói cách khác, 41% GDP toàn cầu đến từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh chúng đang mắc kẹt trong một cuộc thương chiến không hồi kết. Không khó để dự đoán viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cấu một khi Mỹ và Trung Quốc không nhanh chóng đạt đến thỏa thuận thương mại.
“Cá nhân tôi không tin rằng Donald Trump hay người đồng cấp của ông ta, Tập Cận Bình muốn khởi động một cuộc suy thoái toàn cầu” - ông Ivan Martchev cho hay. Nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp bắt đầu. “Tôi nghĩ Trump muốn có một thỏa thuận thương mại, nhưng tôi không chắc về Trung Quốc”. Hôm 4.7 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cao Phong tuyên bố Mỹ cần gỡ bỏ cả những trừng phạt thuế quan hiện tại nếu muốn thỏa thuận thương mại thực sự diễn ra, một động thái cứng rắn cho thấy Trung Quốc không thỏa hiệp.
3 vấn đề trọng tâm quyết định thỏa thuận thương mại Mỹ Trung
Theo Aidan Yao, nhà kinh tế học cao cấp tại Công ty Quản lý tài sản AXA Investment Managers (Pháp), có 3 vấn đề chính có tính quyết định đến triển vọng của đàm phán thương mại để chấm dứt hoàn toàn xung đột Mỹ Trung.
Đầu tiên, vấn đề thương mại, trọng tâm của đàm phán. Cáo buộc chấm dứt thâm hụt thương mại từ phía Mỹ là rất dễ giải quyết, và Trung Quốc cũng nhiều lần cam kết điều này. Nhưng vấn đề mấu chốt đưa đàm phán vào bế tắc là các cáo buộc của Mỹ về bảo mật công nghệ hay chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Nếu vòng đàm phán sắp tới chỉ tập trung vào việc thu hẹp thâm hụt thương mại, thì kỳ vọng cho thỏa thuận thành công là rất cao. Để làm được điều này, Mỹ cần tách các vấn đề công nghệ ra khỏi bàn đàm phán.
Thứ hai, vấn đề chính trị. Mỹ sắp bước vào cuộc tranh cử Tổng thống mới, bởi nhiệm kỳ của ông Trump sẽ kết thúc năm 2020. Trong thời điểm nhạy cảm này, lo ngại nền kinh tế trượt dốc dẫn đến cơ hội tái tranh cử thấp sẽ tạo động lực cho ông Trump trì hoãn trừng phạt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, tiến gần hơn đến thỏa thuận.
Tuy nhiên mặt khác, lưỡng đảng Mỹ đều ủng hộ Donald Trump mạnh tay với Trung Quốc. Chiến dịch tranh cử hồi năm 2015-2016 của Trump cũng chỉ rõ “Trung Quốc không phải bạn của Mỹ”. Nếu ông Trump dễ dàng thỏa hiệp để đạt thỏa thuận với Bắc Kinh lúc này, tức là ông đang đi ngược lại tinh thần trước đó, điều cũng dẫn đến những bất lợi trong chiến dịch tranh cử sắp tới. Nhìn chung, hiện chưa thể dự đoán động lực chính trị sẽ đưa Trump hành động theo hướng nào.
Nhiều khả năng, Trump sẽ chọn kéo dài đàm phán thay vì ký hoặc không ký thỏa thuận ngay. Và Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục chờ đợi, xem liệu rằng họ sẽ phải đối mặt với ai trên bàn đàm phán, Trump hay một vị Tổng thống nào khác.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gạp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 6.2019 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản
Cuối cùng, diễn biến thị trường tài chính cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Thị trường đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu sau kết quả của cuộc gặp gỡ bên lề G20, khi Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại. Chỉ số S&P sắp xuyên thủng ngưỡng 3.000 còn Dow Jones thì lên mức cao nhất mọi thời đại hôm 3.7, sau khi Trump tuyên bố đàm phán thương mại sẽ bắt đầu vào tuần sau.
Điều này tương tự với phản ứng hồi năm ngoái, sau hội nghị G20 tại Buenos Aires, Argentina. Và trước khi quyết định điều gì, ông Trump sẽ cần cân nhắc đến kỳ vọng của các nhà đầu tư về một thỏa thuận thương mại. Nhất là khi nỗi lo về trừng phạt thuế quan vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, làm ảm đạm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thị trường kỳ vọng 100% FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7 sau khi ông Trump lên tiếng yêu cầu FED hành động thích hợp trên Twitter, nhưng FED không bị ảnh hưởng bởi chính trị, cơ quan này hoạt động độc lập theo những số liệu của nền kinh tế. Do vậy, không chắc liệu FED có quyết định cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục giảm tốc hay không.
Ông Aidan Yao nhấn mạnh, một câu hỏi quan trọng khác khiến thế giới quan tâm, là việc tạm ngừng xung đột thương mại sẽ kéo dài bao lâu. Nếu cả hai không nhượng bộ và đạt tới sự đồng thuận, tình hình có thể nhanh chóng căng thẳng với các diễn biến leo thang xung đột mới, y như tháng 5 tồi tệ vừa trải qua.
“Phải nhận thấy rõ ràng rằng những gì diễn ra ở Osaka trong cuộc gặp gỡ bên lề G20 chỉ là thỏa thuận tạm thời đình chiến, không có gì khác diễn biến hồi tháng 12 năm ngoái sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Liệu thế giới có nên lạc quan vào một thỏa thuận, hay cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: một cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ toàn diện?”