Trao 20 suất quà cho người dân vùng khó khăn
Theo đó, Đoàn đã đến thăm Cảng biển Cà Ná và địa điểm quy hoạch Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; thăm công trình Trạm biến áp 500 kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời 450 MW ở xã Phước Minh (Thuận Nam) và khảo sát khu vực dừng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Dịp này, Đoàn công tác của Quốc hội đã trao 20 suất quà; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng 70 triệu đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng 100 triệu đồng cho các gia đình chính sách ở xã Phước Dinh và Vĩnh Hải.
Tại hội nghị báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chính phủ đồng ý chủ trương cho Ninh Thuận được phát triển dự án điện mặt trời với quy mô công suất 2.000 MW theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020, tạo động lực cho tỉnh thu hút đầu tư, đến cuối năm 2021 đã hòa lưới 32 dự án/2.256 MW.
Đồng thời, đồng ý chủ trương tư nhân đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 đã giải tỏa tổng quy mô công suất 1.800MW, do đó đến cuối năm 2020 cơ bản khắc phục tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, tạo động lực tiếp tục thu hút các dự án năng lượng tái tạo, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ đầu từ đưa vào vận hành năm 2025-2026, từng bước hình thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.
Trước đó, từ ngày 7- 8/4, tại bến 1A – Cảng biển tổng hợp Cà Ná Thuận Nam – Ninh Thuận, những chuyến tàu chở hàng đầu tiên đã cập bến. Đây là dấu mốc quan trọng - mở ra khởi đầu thuận lợi trong việc đưa bến cảng 1A vào sử dụng và cho thấy Cảng biển Tổng hợp Cà Ná thực sự sẽ trở thành một điểm trung chuyển vô cùng thuận lợi của vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới.
Đặc biệt, đây sẽ là cơ sở quan trọng trong việc tạo dựng khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD tại Cà Ná trong tương lai, góp phần hỗ trợ Ninh Thuận tối ưu hóa tiềm năng, khai thác lợi thế và bứt phá vươn lên trong những năm tới.
Với việc đưa bến 1A đi vào hoạt động tại địa bàn Ninh Thuận, Trung Nam Group đã khẳng định được năng lực thi công tại các dự án hạ tầng quy mô lớn, tiếp tục giữ đúng cam kết về tiến độ và chất lượng các công trình. Là cơ hội để Trung Nam Group tiếp tục đảm nhiệm những dự án trọng điểm của địa phương, nhất là cơ hội được thực hiện các giai đoạn tiếp theo của Cảng biển tổng hợp Cà Ná trong tương lai gần.