Nợ xấu đã bớt xấu
Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến cuối tháng 12-2018 đã về mức 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Nợ xấu toàn hệ thống giảm đồng nghĩa với việc nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đơn lẻ đều có xu hướng giảm trong năm qua. Điển hình như ACB, sau nhiều năm mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu phát sinh từ giai đoạn trước, đến nay ACB đã thu quả ngọt với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2-2018 lần lượt chỉ còn 0,73% và 0,17%. So với toàn bộ các ngân hàng hiện nay thì tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng ở mức thấp nhất toàn hệ thống. Vietcombank là ngân hàng thứ hai niêm yết giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng ở mức thấp 0,5%.
Nhóm ở giữa có tỷ lệ nợ xấu dưới 2% là TPBank, MBBank, HDBank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Eximbank. Ở chiều ngược lại, một số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu khá cao so với ngành gồm Sacombank (2,11%), NCB (2,12%) và SHB (2,4%). Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tuy vẫn cao, nhưng cải thiện đáng kể từ sau sáp nhập (tỷ lệ nợ xấu 2016-2017 là 6,91% và 4,67%).
Ảnh minh họa.
Dư nợ trái phiếu VAMC vẫn còn lớn
Thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) có kiểm toán cho thấy, đến cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) mà các ngân hàng này đang nắm giữ là 126.700 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với cuối năm 2017. Hiện đã có 5/24 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB.
So với thời điểm cuối năm 2017, danh sách này có thêm sự góp mặt của OCB và VIB (cuối năm 2017, VIB còn nắm hơn 1.500 tỉ đồng, OCB nắm 317 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC). Bên cạnh đó, 15/24 ngân hàng có lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC giảm so với hồi đầu năm 2018. Năm ngân hàng tiếp tục tăng thêm nợ xấu tại VAMC bao gồm Saigonbank, BaoVietBank, ABBank, VietinBank và SCB.
Tại thời điểm cuối năm 2018, Sacombank là ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, lên tới 40.233 tỉ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với đầu năm 2018. Theo sau là SCB với dư nợ hơn 26.600 tỉ đồng, tăng 10,6%; BIDV với hơn 14.100 tỉ đồng, giảm mạnh 36,8%. Đứng thứ 4 trong các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) về số nợ xấu ở VAMC là VietinBank với con số hơn 13.400 tỉ đồng, tăng mạnh 81,6%. Đáng chú ý, ngân hàng này đã từng sạch nợ tại VAMC vào thời điểm cuối quí 2-2018. Điều đó có nghĩa, chỉ trong sáu tháng cuối năm 2018, VietinBank quay trở lại bán thêm hơn 13.400 tỉ đồng nợ xấu sang VAMC.
Bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời cũng là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau năm năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý.
Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng năm năm (chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10% theo thời hạn trái phiếu 10 năm).
Không thể phủ nhận, kể từ khi VAMC ra đời đã hỗ trợ các TCTD rất nhiều trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, VAMC không phải là “cây đũa thần” và các TCTD cần được chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ của mình. Đó cũng chính là lý do mà Nghị quyết 42 được ban hành vào năm 2017, giúp các ngân hàng có nhiều hướng xử lý nợ xấu hơn.
Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau năm năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý.
Và thực tế, trong hai năm trở lại đây, các NHTM đã có xu hướng hạn chế đẩy nợ xấu sang VAMC, thay vào đó tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng,…
Một lượng nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ sớm quay về các ngân hàng trong thời gian tới, khi nhìn lại quá trình mua nợ của VAMC, cao điểm rơi vào năm 2015, theo đó lượng đáo hạn lớn sẽ tập trung vào năm 2020.
Điều đáng mừng là ngành ngân hàng đang vào giai đoạn có lợi nhuận cao và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm thấp, tạo điều kiện để các ngân hàng chủ động nhận về một phần hoặc toàn bộ nợ đã bán cho VAMC mà không gây nhiều xáo trộn trong kết quả kinh doanh.
Cơ quan quản lý cũng liên tục đốc thúc các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu trong thời gian gần đây. Văn bản chỉ đạo mới nhất của Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ bởi tỷ lệ này hiện lên tới hơn 6%.
Một thông tin cũng đáng chú ý gần đây là NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, trong đó bổ sung thêm điều khoản các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Nếu dự thảo này được áp dụng, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt và đây sẽ là một tin không vui với các cổ đông dù hai năm gần đây, ngành ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận khá cao.