Nomura: Việt Nam mới là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại

05/06/2019 10:02 GMT+7
Hơn một năm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura mới đây đã chỉ ra rằng Việt Nam mới là kẻ chiến thắng đích thực từ cuộc chiến.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ và Trung Quốc - trong nỗ lực tránh tác động của trừng phạt thuế quan - đã cắt giảm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường đối lập. Thay vào đó, họ tìm đến nguồn cung ứng từ những quốc gia không chịu ảnh hưởng của thuế quan. Và Việt Nam, cho đến nay đang nổi lên như người hưởng lợi lớn nhất từ dòng chảy thương mại đó, theo Nomura.

7.9% GDP tăng trưởng trong quý I/2019 của Việt Nam không chỉ phản ánh sự chuyển hướng của các doanh nghiệp nước ngoài trong nỗ lực ra khỏi Trung Quốc để né tránh thuế quan, mà còn phản ánh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng lên đáng kể.

Biểu đồ phản ánh các nền kinh tế hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại do Nomura công bố

Trong những diễn biến mới nhất của lệnh trừng phạt thuế quan, Mỹ đã áp thuế 25% với số hàng hóa 200 tỷ USD của Trung Quốc, và đe dọa áp thuế cao tương tự với hơn 300 tỷ USD số hàng hóa nhập khẩu còn lại. Để trả đũa, hôm 1.6 vừa qua, chính phủ ông Tập Cận Bình chính thức áp thuế 25% với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Theo Nomura, xung đột thuế quan đã dẫn đến việc Mỹ và Trung Quốc đồng thời tìm kiếm nguồn cung hàng hóa từ các thị trường khác, đặc biệt là nguồn cung các hàng hóa chịu mức thuế suất cao.

Ngoài Việt Nam, các quốc gia khác như Chile, Malaysia, Argentina cũng là những kẻ hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại. Trong khi Việt Nam thu lợi từ hoạt động xuất khẩu sang Mỹ; thì Chile, Malaysia và Argentina lại tăng cường kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo phân tích của các nhà kinh tế tại Nomura, thuế quan mà Washington áp đặt lên Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty Mỹ tìm nguồn cung thay thế cho nhiều sản phẩm linh kiện điện tử, đồ nội thất, hàng hóa du lịch, văn phòng phẩm, máy xử lý dữ liệu tự động... Ở chiều ngược lại, các công ty Trung Quốc đang phải tìm kiếm nguồn cung đậu nành, ngũ cốc, bông, linh kiện cho ngành công nghiệp máy bay….

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Việt Nam làm "ngư ông đắc lợi"

Theo công bố của Nomura, đây là những mặt hàng giúp các quốc gia kể trên hưởng lợi lớn trong chiến tranh thương mại:

Việt Nam: Linh kiện điện tử, đồ nội thất, máy xử lý dữ liệu tự động;

Chile: quặng đồng, đậu nành;

Malaysia: linh kiện điện tử, thiết bị bán dẫn, mạch tích hợp;

Argentina: đậu nành.

Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) cũng hưởng lợi từ việc xuất khẩu linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính...

Nomura cũng cảnh báo chiến tranh thương mại hầu như sẽ tác động tiêu cực đến đa số các nền kinh tế. Rất ít các quốc gia có thể hưởng lợi từ nó. Về lâu dài, chiến tranh thương mại kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục