Nông dân Cà Mau nguy cơ trắng tay do đất lúa nhiễm mặn
Hàng năm, diện tích lúa Hè - Thu của người dân xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khi xuống giống đều phát triển tốt. Tuy nhiên, năm nay hàng trăm ha lúa đã bị thiệt hại, nhiều diện tích chết trắng. Nguyên nhân bước đầu được đánh giá do ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.
Gia đình bà Võ Thị Giọn (ấp Kênh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) có gần 4 ha đất trồng lúa. Cách đây khoảng 1 tháng, gia đình bà tiến hành cải tạo đất để xuống giống vụ lúa Hè – Thu. Ban đầu cây lúa phát triển tốt, tuy nhiên, khi được khoảng 1 tuần thì cây lúa non bị vàng lá. Sau đó, trời liên tục mưa, mực nước dâng cao thì cây lúa chết đồng loạt. Hơn 15 triệu đồng gia đình bà Võ Thị Giọn đã đầu tư vào vụ mùa coi như bị mất trắng.
“Mới đầu lúa lên thì tốt lắm, rồi gặp nắng lụi xuống, mưa gập xuống chết hết luôn. Vụ mùa năm rồi làm bình thường, năm nay mất trắng rồi đó, không được hột nào. Bây giờ bỏ chứ không sạ lại, tiền ở đâu nữa mà sạ. Tới vụ sau, nhà tôi cũng chưa biết sao nữa”, bà Giọn than thở.
Không chỉ gia đình bà Giọn mà ven hai bên tuyến Kênh Giữa, đa số các hộ dân đều chịu thiệt hại như vậy. Thời điểm này hằng năm bà con nơi đây đã dặm tỉa xong, ruộng lúa tốt tươi trải dài thì năm nay mặt ruộng trống hoe, lác đác vài cây năn mọc.
Ông Võ Văn Hào một hộ dân bị mất trắng vụ mùa cho biết, nhiều năm rồi bà con không bị tình trạng mất mùa nhưng năm nay nước mặn tràn vào thì thiệt hại trắng.
“Thu nhập của nông dân chủ yếu là lúa mà giờ thiệt hại cả thì bà con mất nguồn thu rất lớn. Nguyên nhân là do đập bị rò rỉ nước mặn tràn vô. Đất mùa khô nứt nẻ, nước mặn thấm vào”, ông Hào nói.
Toàn xã Khánh Hải có khoảng 208 ha lúa Hè - Thu bị thiệt hại. Trong đó, 116 ha bị thiệt hại trên 70%. Ông Ngô Văn Hường, Chủ tịch xã Khánh Hải cho biết, thời điểm bà con xuống giống lúa có gặp nắng hạn nhưng nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại là do ảnh hưởng nước mặn từ vụ xói đáy cống Trùm Thuật Nam.
Sự cố cống Trùm Thuật Nam xảy ra vào cao điểm mùa khô năm ngoái. Mực nước bên trong và ngoài cống chênh lệch quá lớn đã dẫn đến xói đáy. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhanh chóng làm đập ngăn chặn nhưng vùng ngọt hóa của xã Khánh Hải vẫn bị ảnh hưởng.
“Xã Khánh Hải hôm rồi bị xói đáy cống, ven khu vực này bị nước mặn tràn vào. Nếu nguyên nhân từ phèn thì không đủ, tại diện tích đất này trước đây vẫn trúng, người dân làm ổn định. Chúng tôi đã báo cáo Phòng Nông nghiệp, xuống đo độ mặn thì trong mương phèn có nơi độ mặn trên dưới 4%o. Ngành nông nghiệp đang đánh giá nguyên nhân nếu thật sự là do ảnh hưởng mặn thì sẽ có những hỗ trợ cho người dân”, ông Hường cho hay.
Người nông dân nơi đây sống nhờ làm hai vụ lúa mỗi năm. Vụ mùa năm nay, nhiều hộ dân ở xã Khánh Hải đã mất trắng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn./.