Nông dân đánh cược với nguồn vốn đi vay

26/12/2020 08:07 GMT+7
Lập nghiệp ở nông thôn đang là ấp ủ của nhiều người với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, những nỗi lo về nguồn vốn, thị trường, năng lực sản xuất vẫn luôn là niềm trăn trở của không ít người.

Đánh liều với nguồn vốn vay

Hiệu quả từ những mô hình kinh tế nông nghiệp hiện tại đã và đang thu hút nhiều nông dân mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để nắm bắt những cơ hội đổi đời. Song hành với các điều kiện cần thiết thì có nguồn vốn đầu tư vững cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công.

Nông dân vẫn còn lắm nỗi lo khi đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 1.

Bà Trâm đã "đánh liều" vay vốn ngân hàng để đầu tư nông nghiệp và đã thành công.

Tại Quảng Nam, ai cũng ngỡ ngàng với trường hợp của vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Trâm (52 tuổi) ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trò chuyện cùng phóng viên, bà Trâm cho biết, trước đây bà là giáo viên tiểu học, chồng bà làm lao động phổ thông. Cuộc sống chỉ đủ sống qua ngày, chẳng mấy khi dư dả. Vợ chồng bà quyết định "đánh liều" số phận khi vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) để làm kinh tế.

Năm 2016, vợ chồng bà vay vốn Agribank 100 triệu đồng, hai vợ chồng bà bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gà, vịt, và bán con giống. 

Nông dân vẫn còn lắm nỗi lo khi đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 2.

Với mô hình chăn nuôi gà, vịt và cung cấp con giống đã đem lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình bà Trâm.

"Lúc mới khởi nghiệp tôi lo đủ thứ, cả hai vợ chồng đều không có kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi hầu như là con số không tròn trĩnh, rồi lo đầu ra, giá cả thị trường, đặc biệt là về nguồn vốn vay ngân hàng, lỡ chẳng may gặp rủi ro thì nợ nần chồng chất, hai vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ mấy tháng liền trong năm đầu khởi nghiệp…", bà Trâm chia sẻ.

Nông dân vẫn còn lắm nỗi lo khi đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 3.

Tuy có thu nhập cao, có của ăn của để nhưng bà Trâm vẫn thấp thỏm nhiều nỗi lo về thiên tai, dịch bệnh, giá cả, đầu ra của thị trường...

Nhờ chịu khó học hỏi, vừa làm vừa học hỏi từ các hộ đi trước, mô hình chăn nuôi gà vịt, và cung cấp con giống của bà đã dần đi vào ổn định. Đến nay, mỗi năm trang trại chăn nuôi của bà Trâm cung cấp ra thị trường hơn 11.000 con giống gà vịt, hàng chục nghìn con gà vịt thịt thương phẩm, sau khi trừ chi phí đã đem lại cho gia đình bà lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm.

Tuy có thu nhập cao, có của ăn của để nhưng bà Trâm vẫn thấp thỏm nỗi lo về thiên tai, dịch bệnh, đầu ra của thị trường, khi giá cả lúc lên, lúc xuống nhiều đợt khiến vợ chồng bà rất hoang mang…

Còn nhiều nỗi lo

Không dám đánh liều như vợ chồng bà Trâm, anh Nguyễn Văn Nhi (37 tuổi) trú thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng chỉ dám vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank để khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi trên diện tích 25m2.

Nông dân vẫn còn lắm nỗi lo khi đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 4.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nấm bán chậm, thậm chí không bán được nên cơ sở nấm của anh Nhi chỉ sản xuất cầm chừng.

"Với số vốn hạn hẹp, tôi trồng thử nghiệm 2.000 bịch phôi nấm bào ngư và đem ra chợ bán để thăm dò thị trường. Sau 2 tháng thu hoạch đợt nấm đầu tiên, tôi thu lãi khoảng 12 triệu đồng và có thêm động lực để đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng, đồng thời nâng cao năng suất", anh Nhi vui vẻ nói.

Trồng nấm tuy dễ nhưng không thể chủ quan với một số điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường nuôi trồng đảm bảo sạch sẽ… Để gia tăng lợi nhuận bền vững, anh Nhi hăng hái tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao do địa phương tổ chức, chủ động tìm đến các mô hình trồng nấm phát triển tốt để học hỏi kinh nghiệm.

Anh Nhi cho biết, ban đầu anh mua bịch phôi giống từ nhiều nơi nên không thể kiểm định chất lượng nguồn giống. Điều này khiến anh bị động trong quá trình nuôi trồng, năng suất nấm không đạt dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Nhanh chóng sửa đổi, anh Nhi ứng dựng máy móc tiên tiến vào quy trình sản xuất bịch phôi nấm ngay tại cơ sở, sử dụng bột mùn cưa cao su kết hợp với bột cám gạo và cám bắp để tăng độ dinh dưỡng giúp nấm phát triển đạt chất lượng.

Nông dân vẫn còn lắm nỗi lo khi đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 5.

Năm 2020, ngoài dịch Covid-19, kinh tế nông nghiệp miền Trung còn ảnh hưởng rất lớn do mưa lũ kéo dài, đã gây thiệt hại lớn cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, trại nấm rộng 2.500m2 của anh Nhi sản xuất gối đầu khoảng 30.000 bịch phôi nấm các loại, chủ yếu là nấm bào ngư và nấm linh chi đỏ. Ngoài ra, anh nhận cung cấp hơn 100.000 bịch phôi giống cho các hộ trồng nấm trên địa bàn TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Sau khi trừ mọi chi phí, anh Nhi thu lãi hơn 270 triệu đồng mỗi năm.

Anh Nhi tâm sự: "Trại nấm không chỉ giúp tôi có thu nhập khá, mà còn tạo nhiều việc làm ổn định cho người dân địa phương. Nhưng năm nay vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nấm bán chậm, thậm chí không bán được nên cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người trồng nấm bào ngư khiến tiêu thụ khó khăn, nên tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư trồng nấm dược liệu để có lợi nhuận cao hơn".

 

Trần Hậu - Tuyết Nhung
Cùng chuyên mục