Nông dân “lười” đăng ký mã số truy xuất nguồn gốc nông sản, doanh nghiệp gặp khó
Trái cây đầu mùa giá cao...
Chủ vườn bưởi da xanh VietGAP Đặng Tuấn Thành ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) chia sẻ: Hiện tại nhiều vườn mới chỉ cho trái bói và trái đợt đầu. Chính vì nguồn trái đang hiếm nên giá bán ở mức khá cao.
Bưởi da xanh được thị trường ưa chuộng
Cụ thể, giá sầu riêng rụng bán tại vườn lên đến 80.000 đồng/kg, sầu riêng cắt già 60.000 - 65.000 đồng/kg. Chôm chôm Java từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái từ 22.000 - 28.000 đồng/kg; măng cụt 60.000 đồng/kg… So với cùng kỳ năm ngoái thì giá này cao gấp rưỡi đến gấp đôi.
Tuy nhiên do sự ảnh hưởng nặng nề của thời tiết, sản lượng trái cây năm nay ước tính chỉ đạt 60-70% so với cùng kì năm ngoái.
... nhưng chủ yếu phụ thuộc vào thương lái
Dù tại thời điểm hiện tại, giá trái cây đầu mùa khá cao nhưng chỉ đến giữa và cuối tháng này, hoa quả sẽ đồng loạt chín rộ. Đây cũng là lúc người dân lo ngại nhất bởi cung nhiều ắt giá sẽ giảm và khó tiêu thụ, nhất là khi thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe với nguồn gốc và chất lượng nông sản.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc hợp tác xã Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) cũng cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, nhiều lô sầu riêng “đóng” đi Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu không xuất được, buộc phải chở về bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí chở ngược về địa phương tiêu thụ. Nguyên nhân là do mặt hàng sầu riêng chưa đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch, lâu nay vẫn thường xuất “chui” theo đường tiểu ngạch…”.
Đáng buồn hơn là hiện nay, rất ít số trái cây của Việt Nam đáp ứng đủ các yêu cầu chất lượng và nguồn gốc để đi qua đường chính ngạch. Bởi vậy lúc nào thương lái dừng mua, lúc ấy sẽ có “giải cứu”.
Câu chuyện “giải cứu” và bài học hiện tại
Thanh long, khoai lang, mía,... cùng bao nông sản khác của Việt Nam đã phải trải qua mùa giải cứu đắng cay. Bao mồ hôi, công sức và cả nước mắt của người vun trồng cũng theo đó mà rơi xuống. Không phải nông sản Việt không được ưa chuộng. Bằng chứng là nhìn vào vụ vải thiều năm nay, một vụ đại thắng với tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều ước đạt: 37.260 tấn, tổng giá trị ước đạt 1.310 tỷ đồng; Giá vải tại huyện Lục Ngạn vẫn giữ ở mức ổn định dao động từ 40.000 - 65.000 đ/kg (Tính đến hết ngày 6/6/2019). Bởi vậy mấu chốt của vấn đề để khâu chất lượng sản phẩm và khâu tiếp cận thị trường.
Nếu mít, chôm chôm, xoài, dưa hấu,... đều được người trồng đăng kí mã truy xuất nguồn gốc nông sản thì còn lo gì mất giá, lo gì không bán được do thương lái không thu mua. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng thu mua và xuất khẩu chúng qua đường chính ngạch khi đã có đủ điều kiện.
Nông sản sẽ không còn "giải cứu" nếu có nguồn gốc rõ ràng (ảnh minh họa)
Bởi vậy muốn ổn định hay không là ở chính người nông dân. Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ thuật, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế là những bước đầu tiên. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần hết sức tạo điều kiện, hướng dẫn nông dân đăng kí mã số để truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nếu đáp ứng được những điều này, thì nông sản sẽ không những được ưa chuộng trong nước, mà còn dễ dàng xuất khẩu ra các thị trường lớn trên thế giới.