Nông dân Lý Sơn đổi đời, doanh thu đạt hàng tỷ đồng nhờ nuôi loài cá háu ăn, thịt thơm ngon

11/03/2021 13:15 GMT+7
Ông Huỳnh Ngọc Thảo, 48 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá lồng bè (cá bớp). Mô hình đã giúp ông có thu nhập ổn định, doanh thu mỗi năm đạt 2 tỷ đồng.

Trò chuyện cùng phóng viên Etime, ông Thảo cho biết, cũng như các hộ gia đình khác sinh sống trên huyện đảo Lý Sơn, trước đây gia đình ông sống bằng nghề đánh bắt hải sản và buôn bán nhỏ. Tuy nhiên cuộc sống vẫn khá bấp bênh, và ông đã chọn mô hình nuôi cá bớp làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.

Quảng Ngãi: Nông dân Lý Sơn đổi đời nhờ nuôi loài cá hấu ăn, thịt thơm ngon - Ảnh 1.

Ông Thảo đã đổi đời nhờ mô hình nuôi cá lồng bè (cá bớp). Ảnh: Trần Hậu.

Ông Thảo nhớ lại, năm 2015, gom góp số tiền tiết kiệm cộng vay thêm Ngân hàng Agribank với số tiền hơn 1 tỷ đồng, ông đã xây dựng mô hình nuôi cá bớp.

Thời gian đầu, do ông chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên cá chậm lớn. Sau đó, ông vuôi vừa học hỏi của các hộ đi trước, đến nay mô hình nuôi cá lồng bè của ông Thảo đã đi vào ổn định. Hiện ông đã mở rộng lên 48 lồng, sản lượng mỗi năm ước đạt hơn 20 tấn cá các loại, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Quảng Ngãi: Nông dân Lý Sơn đổi đời nhờ nuôi loài cá hấu ăn, thịt thơm ngon - Ảnh 2.

Sau hơn 10 tháng thả nuôi cá đạt trọng lượng trung bình từ 5–6 kg/con, cá sẽ được xuất bán. Ảnh: Trần Hậu.

Theo ông Thảo, huyện đảo Lý Sơn có điều kiện tự nhiên, nguồn nước sạch, môi trường sinh thái biển lý tưởng và rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản, đặc biệt là nuôi cá bớp lồng trên biển.

Cá bớp có sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư vừa phải, dễ nuôi, nhanh lớn, ít xảy ra dịch bệnh, ít rủi ro, thức ăn của cá bớp chủ yếu là cá tạp, tỷ lệ sống cao hơn so với các đối tượng khác.

Quảng Ngãi: Nông dân Lý Sơn đổi đời nhờ nuôi loài cá hấu ăn, thịt thơm ngon - Ảnh 3.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Thảo được sự hỗ trợ rất lớn từ nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Lý Sơn. Ảnh: Trần Hậu.

Mỗi ngày cho cá ăn một lần vào buổi sáng, cần rãi mồi chậm để cá dễ dàng bắt mồi. Cho cá ăn từ từ đến khi cá ngừng ăn thì dừng lại tránh để thức ăn rơi xuống đáy lồng. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá bớp, cho cá ăn ngày 2 lần, sáng và chiều, khẩu phần cho ăn từ 1,5 – 2% khối lượng cá/ngày.

Quảng Ngãi: Nông dân Lý Sơn đổi đời nhờ nuôi loài cá hấu ăn, thịt thơm ngon - Ảnh 4.

Thức ăn của cá bớp chủ yếu là cá tạp. Ảnh: Trần Hậu.

Sau hơn 10 tháng thả nuôi cá đạt trọng lượng trung bình từ 5–6 kg/con, cá sẽ được xuất bán ra thị trường.

"Những năm trước thương lái thu mua cá bớp với giá từ 130.000 đồng/kg, riêng năm 2020 giá cá giảm do ảnh hưởng Covid-19, giá chỉ còn 100.000-110.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, năm 2020 sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi vẫn thu lãi được hơn 300 triệu đồng…", ông Thảo nói.

Quảng Ngãi: Nông dân Lý Sơn đổi đời nhờ nuôi loài cá hấu ăn, thịt thơm ngon - Ảnh 5.

Huyện đảo Lý Sơn có môi trường sinh thái biển lý tưởng và rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản. Ảnh: Trần Hậu.

Được biết, mô hình nuôi cá bớp có nhiều ưu điểm, thu lãi cao nên nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm hùm sang cá bớp thương phẩm bằng lồng bè, thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy hải sản được cải thiện, cuộc sống khấm khá hơn.

Quảng Ngãi: Nông dân Lý Sơn đổi đời nhờ nuôi loài cá hấu ăn, thịt thơm ngon - Ảnh 6.

Hiện bè cá của ông Thảo đã mở rộng lên 48 lồng, sản lượng mỗi năm ước đạt hơn 20 tấn cá các loại. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Nguyễn Trung Kiệt – Phó Giám đốc phụ trách Agribank Chi nhánh Lý Sơn cho biết, được Agribank tiếp vốn, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, nuôi cá lồng bè trên biển, trồng tỏi, nhờ đó đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Ở huyện đảo Lý Sơn ngoài hộ ông Thảo thì còn có hàng trăm hộ tiêu biểu khác như hộ ông Bùi Anh Hùng, Lê Văn Tươi…

"Thời gian tới, Agribank Lý Sơn sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm tiếp tục giúp bà con ngư dân và nông dân huyện đảo có điều kiện bám biển để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập…", ông Kiệt nói.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục