Nông dân Võ Quan Huy lý giải "bài toán" thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu?

31/12/2024 12:30 GMT+7
Nông dân Võ Quan Huy cho biết, đối với vấn đề liên kết, nhiều lần chúng ta đề cập vấn đề này nhưng tính pháp lý mang hơi hướng "bênh" nông dân. Do đó, vẫn chưa tạo được động lực gắn kết về phía doanh nghiệp, dẫn đến câu chuyện thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu vẫn xảy ra thường xuyên.

Sáng ngày 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Tại hội nghị, nông dân Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An) bày tỏ rất ấn tượng khi gần đây, Trung ương đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đặc biệt là đưa Luật Đất đai vào thực tế sớm hơn dự kiến. Đặc biệt, gần nhất, trong ngoại giao, Thủ tướng đã mời gọi các nước đầu tư vào thị trường Halal và các kí kết AFTA mới. 

Qua đó, ông Huy có 5 kiến nghị:

Thứ nhất, về đất đai, từ hơn 20 năm trước lúc đó đất cần người sản xuất, Đảng và nhà nước có chính sách vận động thành lập nông lâm trường, đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm.

Sau đó, mô hình này hoạt động không hiệu quả, dẫn đến thoái trào giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương đang rất khó thực hiện vì người nông dân đã đầu xây dựng đồng ruộng chỉnh sửa mặt bằng rất tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm.

Trong khi, nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất rất khó cho địa phương và người dân. Từ đó, ông Huy xin được kiến nghị, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.

Bên cạnh đó, dù Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã diễn giải, công đầu tư trên đất còn lại thì đất nông nghiệp này không phải đấu giá mà tiếp tục được thuê, nhưng địa phương chưa chấp nhận điều này vì họ lo lắng tất cả đất này sẽ phải giải phóng khi đưa về địa phương quản lý.

Thứ hai, về đầu tư vốn cho nông nghiệp xanh, ông Huy cho rằng, mặc dù có nhiều gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhưng hiện nay chưa có gói nào mạnh và cụ thể đi vào sản xuất.

Thứ ba, về khoa học công nghệ, đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân đất nước ta tiến vào kỷ nguyên vươn mình, làm sao có thể số hoá nhà nông? Ông Huy kiến nghị Chính phủ có những chương trình đầu tư mang tính chất dẫn dắt. Ví dụ, hiện nay, trong thu hoạch rừng, cao su cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn. Nếu có máy móc thì sẽ cải thiện vấn đề môi trường, thất thoát sau thu hoạch.

Thứ tư, về vấn đề liên kết, nhiều lần chúng ta đề cập vấn đề này nhưng tính pháp lý mang hơi hướng "bênh" nông dân nên vẫn chưa tạo được động lực gắn kết về phía doanh nghiệp, dẫn đến câu chuyện thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu vẫn xảy ra thường xuyên.

Thứ năm, về thị trường, con đường nông sản của chúng ta dường như đang rất thông thoáng, gần đây nhất là thị trường Halal. Ông Huy kiến nghị Chính phủ có những giải pháp để trong 3 năm nữa, làm sao nông sản của chúng ta sang thị trường này nhanh nhất.

Thứ sáu, nông dân Huy kiến nghị Thủ tướng dành thời gian vi hành xuống các nông, lâm trường để tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện, tâm tư của người nông dân đang sản xuất tại các vùng đất này, để từ đó có thể đưa ra những chủ trương, quyết sách giúp bà con yên tâm sản xuất.

Nông dân Võ Quan Huy lý giải "bài toán" thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu?- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dân Việt.

Giải đáp thêm kiến nghị của ông Võ Quan Huy về thị trường Halal, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước đây, chúng ta chưa quan tâm nhiều tới thị trường này dù tiềm năng rất lớn. Về thúc đẩy thị trường, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh đàm phán kí kết với UAE.

Thủ tướng thông tin thêm: Gần đây nhất, chúng tôi cũng đang triển khai thị trường Trung Đông; tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp làm thị trường Halal tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đây là thị trường rộng lớn, chúng ta có tiềm năng về gạo tròn và dẻo nhưng thị trường Halal cần gạo dài và rời. Họ sẵn sàng đưa cho chúng ta hạt giống để trồng theo nhu cầu của họ.

Về vấn đề đất đai ở nông lâm trường, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề "nhức nhối" ở nhiều địa phương. Trước đây, ở một số nơi hình thành các nông lâm trường rồi giao đất cho cán bộ nhân viên của nông lâm trường sản xuất. Tuy nhiên, cán bộ các nông lâm trường không sử dụng lại giao tiếp cho người khác, giao tới 5-6 lượt nên dẫn đến khó quản lý.

Thực tế việc sử dụng khai thác đất nông lâm trường đang rất lãng phí. "Tôi giao luôn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, khảo sát, báo cáo lại nguồn đất đai này một cách nghiêm túc. Phải có quyết sách rất mạnh mới khai thác được nguồn đất đai này hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

VÍ DỤ TIÊU CHUẨN HALAL: ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THỊT

Muốn xuất khẩu thịt sang thị trường Halal, trước khi giết mổ vật nuôi, phải nói trước từ: Allah

Cục Chăn nuôi cho biết, thịt đạt tiêu chuẩn Halal khác thịt bình thường, với 5 dấu hiệu: Người giết mổ phải nói trước từ Allah (nghĩa là Chúa trời); động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo; động vật phải còn sống trước khi giết mổ; thịt tiêu chuẩn Halal không dính máu, sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra; cuối cùng là động vật không được cho ăn những thức ăn làm từ động vật khác.

L. Anh
Cùng chuyên mục