Thủ tướng Chính phủ trăn trở với chế biến sâu, chế biến nông sản
Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế do nguồn lực có hạn
Đặt vấn đề tại Hội nghị, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy kiến nghị: Hiện nay mức đầu tư cho nông nghiệp của nước ta còn rất hạn chế. Theo đó, chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
"Thứ hai, từ bài học thắng lợi nhiều năm qua của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX rất cần hệ sinh thái nông nghiệp bền vững để phù hợp với sự phát triển chung của toàn cầu", chuyên gia Thủy nêu.
Trả lời ý kiến của chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đầu tư cho nông nghiệp đúng là chưa nhiều bởi nguồn lực của chúng ta có hạn. Nhà nước cũng cần đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm khác nên chúng ta phải tự cân đối sao cho phù hợp.
Và nguyên tắc cân đối là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phát triển. Muốn làm được điều này, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chúng ta phải sửa Luật hợp tác công tư để huy động nguồn lực của xã hội và người dân, từ đó có được mức đầu tư lớn hơn.
"Chúng ta tăng gấp 2 lần không có nghĩa là tăng tiền của Nhà nước mà phải có sự vào cuộc của tư nhân. Còn việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, chúng ta đã và đang phấn đấu thực hiện theo đúng cam kết, lộ trình giảm phát thải của Việt Nam.
Tôi mong muốn, đề nghị các doanh nghiệp, nông dân cũng phải ý thức rõ điều này, thay đổi phương thức sản xuất ra sao, sử dụng giống, phân bón, công nghệ như thế nào để tạo ra hệ sinh thái bền vững… bà con cũng như các cấp lãnh đạo cần hết sức lưu tâm vấn đề này", người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng trăn trở với chế biến sâu, chế biến nông sản
Cùng đề cập đến đầu tư cho nông nghiệp, Nông dân Nguyễn Xuân Thao có hỏi: Hiện có một thực tế là, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu, nên giá trị chưa cao.
Chẳng hạn như cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ra ở dạng nhân, tiền thu về chỉ được 1 phần, còn 2 phần rơi vào các nhà rang xay, chế biến và thương mại…
Nông dân Thao đặt câu: Chính phủ sẽ có giải pháp, chính sách gì để "nâng tầm nông sản Việt" một cách đồng bộ, nhất là việc chú trọng tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai không xa?
Bên cạnh đó, ông Thao bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư các thiết bị nâng cấp hệ thống chế biến nông sản Việt theo chuỗi giá trị và tập trung vào chế biến sâu, nâng cao thu nhập, tăng giá trị nông sản cho nông dân.
Trả lời câu hỏi của nông dân Nguyễn Xuân Thao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Tôi rất trăn trở với câu hỏi về chế biến sâu, chế biến nông sản của ông Thao.
Thủ tướng nêu thêm: Chúng ta đang sản xuất những sản phẩm chúng ta có, chưa có nhiều sản phẩm thị trường cần. Tư duy sản xuất, tư duy thị trường rất quan trọng. Chúng ta phải thay đổi tư duy, nghiên cứu nhu cầu thị trường, nghiên cứu mong muốn khách hàng. Và cái này ai làm?
Doanh nghiệp phải làm cho người nông dân, Chính phủ phải làm cho người nông dân. Chính phủ phải nghiên cứu thị trường. Mấy năm vừa rồi, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao hàng quý có kết nối với trong nước, các tỉnh thành, các doanh nghiệp. Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương hàng tháng phải có kết nối thị trường, tìm hiểu thị trường thế giới hiện nay có những gì, dự báo năm tới đây như thế nào.
"Chúng ta có mấy mặt chủ lực như tôm, gạo, cà phê, cà tra. Năm tới, thị trường dự báo như thế nào thì phải Nhà nước phải làm, Chính phủ phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh lại, vấn đề này người nông dân cũng phải nghiên cứu nhưng chủ lực là Nhà nước và Chính phủ phải làm. Và kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân Chính phủ cũng phải làm và chính quyền cũng phải vào cuộc mạnh mẽ. Chế biến sâu là một, kết nối doanh nghiệp là hai khâu chúng ta đang yếu.
"Chúng ta phải nỗ lực và ai cũng phải nỗ lực. Nhà nước cùng với doanh nghiệp định hướng cho người nông dân từ đó ra bài toán quy hoạch, thương hiệu, thị trường", Thủ tướng khẳng định lại.
Thủ tướng đánh giá câu hỏi của nông dân Thao về liên kết doanh nghiệp, nông dân phù hợp với HTX. Hiện nay, chúng ta có Luật Hợp tác, làm sao để luật HTX này phát huy sức mạnh liên kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành viên trong HTX. Đây là vấn đề rất quan trọng và muốn thế HTX phải hoạt động lành mạnh, người đứng đầu HTX phải được suy tôn.
Qua đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư phải xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp ở nông thôn; phải sửa các Luật trong đó có Luật Đầu tư, Luật hợp tác đầu tư. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp về thuê đất, thuế, phí, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Muốn chế biến sâu nông sản phải đi theo một loạt giải pháp như thế.
Hiện nay, các Luật này còn rất nhiều thủ tục không cần thiết. Chúng cần phải làm và phải thay đổi nhanh thì mới phát huy được nguồn lực. Thủ tướng cũng nhấn mạnh lại rằng, về vấn đề này, khi mình xây dựng Luật mới nghĩ được như thế, chưa tổng kết được hết thực tiễn.
"Chính vì vậy, trên quan điểm xuất phát từ thực tiễn, bắt đầu từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, chúng ta tháo gỡ, có những cơ chế chính sách cho phù hợp, hiệu quả", Thủ tướng nói.