Nông dân vùng trồng rau lớn nhất tỉnh Quảng Nam háo hức xuống giống vụ Tết
Làng rau Bàu Tròn thuộc thôn Phú Phước, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có diện tích 20ha với hơn 200 hộ gia đình chuyên canh các loại rau ăn lá ngắn ngày như xà lách, cải và dưa leo, khổ qua, đậu cô ve, mướp... phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân ra đồng làm đất, xuống giống những diện tích còn trống để chuẩn bị cho vụ rau Tết.
Đang chăm chỉ làm đất, anh Trần Quốc Vương (44 tuổi) chia sẻ: "Năm nay thời tiết khá thuận lợi, không có mưa nhiều như mọi năm nên rau màu phát triển tươi tốt, ít sâu bệnh. Với diện tích hơn 8 sào, tôi xuống giống lần lượt các loại cây như đậu cô ve, mướp, khổ qua, dưa leo, đây là những mặt hàng lagim bán rất chạy trong dịp Tết, thường có giá bán dao động từ 15.000-30.000 đồng/kg.
Nếu từ đây đến khi thu hoạch, thời tiết nắng ráo, giá cả ổn định thì gia đình tôi có thể thu lời khoảng 30 triệu đồng để sắm sửa đón Tết".
Cạnh vườn rau của anh Vương, hơn 7 sào đất trồng mướp, dưa leo và khổ qua của hộ ông Nguyễn Quang Hương (68 tuổi) cũng đang xanh tốt, bắt đầu cho trái. Để tránh tình trạng ùn ứ nông sản vào dịp Tết, vợ chồng ông xuống giống lần lượt các loại cây trồng, bình quân cách nhau khoảng 20 ngày.
Ông Hương cho hay, nông dân ai cũng trông chờ vụ rau đông xuân thắng lợi để đón Tết sung túc, nên khi xuống giống ai nấy cũng đều phấn khởi. Để cho ra những sản phẩm rau, củ, quả chất lượng thì ông phải chi trả nhiều chi phí cho cây giống, phân hóa học, thuốc vi sinh, cây tre cắm chói, lưới, bạt, cày xới… trong khi đó giá cả sản xuất ngày càng tăng cao.
"Rau vụ Tết thường giá không cao hơn bình thường, nhưng bù lại lượng rau bán ra thị trường nhiều gấp 3-4 lần, khoảng 10.000-15.000 đồng/kg. Riêng khổ qua ngày thường khoảng 20.000 đồng/kg, thì sát Tết có thể tăng giá gấp 2-3 lần, nhờ đó mà tôi thu lãi cao. Ước tính với 7 sào đất, vụ Tết năm nay nếu được mùa, được giá thì gia đình tôi sẽ thu lãi hơn 20 triệu đồng", ông Hương hào hứng nói.
Tỉ mỉ quan sát luống khổ qua đã trồng hơn 20 ngày, ông Nguyễn Văn Tiên (63 tuổi) cho biết, để phục vụ thị trường Tết năm nay, ông trồng chủ yếu khổ qua và đậu cô ve. Khu đất này ở vùng cao nên ông đã tranh thủ xuống giống sớm, trồng thêm một số luống rau cải và xà lách để chủ động về đầu ra.
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, nông dân trồng rau ở Bàu Tròn không xuống giống đồng loạt mà xuống giống theo từng đợt để thu hoạch trước, trong và sau Tết, nhằm tránh tình trạng được mùa, mất giá.
Một số hộ dân trồng xen canh các loại cây ngắn ngày khác như: đậu phụng, cải, ớt, bắp để giảm rủi ro. Vì thế, đầu ra cho nông sản không gặp nhiều khó khăn như trước, giá cả cũng ổn định hơn.
Nông dân trồng rau ở cánh đồng Bàu Tròn luôn tuân thủ quy trình trồng rau sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó dùng thuốc sinh học để phun cho rau màu nên được thương lái ưa chuộng, giá cả ổn định, xuất bán đi nhiều nơi như TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh thành khác.
Với sự chăm chỉ, cần cù lao động, bà con nông dân trồng rau ở Bàu Tròn hi vọng vụ rau đông xuân năm nay sẽ thuận lợi, được mùa, được giá, để có thêm nguồn thu nhập khá đón Tết sung túc, đủ đầy.