Nuôi ruồi lính đen, nhóm sinh viên biến rác hữu cơ thành "vàng”
"Biến rác thải hữu cơ thành vàng"
Đến Khoa Quốc tế, Trường Đại học Thái Nguyên, ai cũng nhắc đến ý tưởng đầy táo bạo và mới mẻ vừa được thực hiện thành công trong đề tài nghiên cứu khoa học "Biến rác thải hữu cơ thành vàng" của nhóm sinh viên năm cuối chuyên ngành quản lý môi trường và bền vững.
Đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên lọt top 5 cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội 2018”
Em Phạm Thị Hải Yến - Trưởng nhóm thực hiện đề tài chia sẻ: Ý tưởng thực hiện đề tài được hình thành từ việc chúng em nhận thấy rác thải hữu cơ là nguồn tài nguyên quý giá đang bị lãng phí. Bởi vậy, chúng em đã có suy nghĩ sẽ tận dụng nguồn rác thải này và biến chúng thành những sản phẩm hữu ích phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, chúng em lên kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu "Biến rác thải hữu cơ thành vàng".
Qua quá trình học tập và nghiên cứu thực tế, các em nhận thấy ấu trùng ruồi lính đen có thể giúp việc phân hủy nguồn rác thải hữu cơ với tỷ lệ cao, rút ngắn đáng kể thời gian phân hủy rác trong tự nhiên. Bởi vậy, để thực hiện đề tài nghiên cứu, các em đã nuôi ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác thải hữu cơ và nuôi chúng lớn làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Hải Yến, đề tài được nhóm bắt tay thực hiện từ giữa năm 2017 và đến cuối năm 2018 thì cho nghiệm thu. Càng vui mừng và vinh dự hơn khi vào tháng 12.2018 vừa qua, đề tài nghiên cứu của nhóm đã lọt vào Top 5 cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội 2018” - một cuộc thi do Hội đồng Anh và các trường đại học trên toàn quốc liên kết tổ chức.
Việc ứng dụng nuôi ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác thải hữu cơ không chỉ giúp giảm thiểu đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường, mà sản phẩm được tạo ra sau quá trình phân hủy rác thải còn là nguồn dinh dưỡng có giá trị trong nông nghiệp. Sau khi nghiên cứu thành công đề tài, nhóm đã cho thử nghiệm thức ăn chăn nuôi và phân bón - các sản phẩm được tạo ra sau quá trình phân hủy rác thải hữu cơ tại một số địa điểm thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mang lại những kết quả khả quan.
Mang lại thu nhập đáng kể cho người dân
Theo tính toán của nhóm, 1 tấn rác thải hữu cơ có thể mang lại 16 triệu đồng sau khi được xử lý bằng áp dụng phương pháp hữu hiệu này. Bởi vậy, nếu việc xử lý rác thải hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen được thực hiện tốt, thì chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có thể thu về từ 3 - 4 tỷ đồng/ngày.
Cho chim ăn thử sản phẩm nhộng tươi sống phát triển từ ấu trùng ruồi lính đen.
Em Bùi Xuân Trường - thành viên của nhóm không giấu được niềm vui: "Nhóm chúng em vừa nhận được 4 hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải khu dân cư của một số doanh nghiệp tại các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM…".
Em Trường cũng khẳng định: Đề tài này, nếu được ứng dụng thành công trong thực tế sẽ góp phần biến rác thải hữu cơ thành những thứ có giá trị, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giải quyết cả vấn đề môi trường, đồng thời tạo ra các sản phẩm an toàn và thân thiện môi trường như thức ăn chăn nuôi, phân bón cung cấp cho các trang trại. Những lợi ích thiết thực đó sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức và thói quen phân loại rác, hơn nữa còn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
PGS.TS Hoàng Văn Phụ - giảng viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên - người hướng dẫn trực tiếp nhóm sinh viên thực hiện đề tài cho biết: Đây là một đề tài sáng tạo và rất mới mẻ của sinh viên. Nếu đề tài này được ứng dụng vào thực tế sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và mang lại nhiều lợi ích thiết thực: Hỗ trợ người dân trong việc phân loại rác thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp đỡ người dân nâng cao nhận thức về môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính...