Ông chủ Central Group sở hữu những thương hiệu nào tại Việt Nam?

05/07/2019 12:50 GMT+7
Ngoài Big C, ông chủ Tập đoàn Central Group người Thái Lan - Tos Chirathivat hiện đang sở hữu các thương hiệu lớn ở Việt Nam như: trung tâm thương mại thời trang Robins, siêu thị Điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lanchi mart,...

Thành lập tại Việt Nam vào tháng 7/2011, tập đoàn Central Group hoạt động chủ yếu ở 5 mảng chính, bao gồm: trung tâm thương mại, nhà hàng, thời trang, điện tử và thương mại điện tử. Trong đó hệ thống chuỗi siêu thị Big C là một trong những chuỗi kinh doanh bán lẻ nổi bật của của tập đoàn này.

Ngoài việc kinh doanh hoạt động tại Việt Nam, hiện tập đoàn này còn có mặt tại 8 quốc gia khác gồm: Italy, Đức, Đan Mạch, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Maldives và Sri Lanka.

Thực hiện nhiều thương vụ mua bán sáp nhập “đình đám” tại Việt Nam

Ông Tos Chirathivat, Chủ tịch Tập đoàn Central Group Thái Lan.

Không chỉ sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, ông Tos Chirathivat còn sở hữu hàng loạt các cửa hàng kinh doanh bán lẻ khác tại Việt Nam. Trong tuyên bố hồi giữa năm 2018, ông Philippe Broianigo – CEO Central Group Việt Nam cho biết trong 3 năm qua (2016 – 2018) tập đoàn này đã chi khoảng 5,5 tỷ USD thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ.

Thương vụ đình đám đầu tiên phải kể đến là việc tập đoàn Central Group mua lại 2 trung tâm thương mại thời trang Robins tại Hà Nội và TP. HCM năm 2014, chỉ sau 3 năm thành lập tại Việt Nam. Hai trung tâm này chủ yếu bày bán các thương hiệu cao cấp trên thế giới, tuy nhiên phần lớn vẫn là hàng Thái Lan.

Một năm ngay sau đó, chuỗi Lan Chi Mart với 25 siêu thị lớn, nhỏ tập trung chủ yếu tại các vùng nông thôn phía Bắc cũng thuộc sở hữu của Central Group.

Cũng trong năm 2015, Power Buy – đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group đã hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim với 55 siêu thị Điện máy trên cả nước.

Bên cạnh đó, Central Group hiện đang sở hữu nhiều chuỗi cửa hàng và thương hiệu lớn khác như: cửa hàng thời trang Marks & Spencer (Anh), cửa hàng đồng giá Komonoya (Nhật), hệ thống cửa hàng tiện lợi C – Express, cửa hàng thời trang Delala, hãng thể thao Supersports; văn phòng phẩm B2S; hàng gia dụng LookKool; Crocs; New Balance; Mizuno; Fila...

Không chỉ kinh doanh nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ, hiện Central Group cũng đang kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam và là chủ sở hữu khách sạn 4 sao Centara Sandy Beach Resort tại Đà Nẵng.

Big C Việt Nam vào tay người Thái, tình hình kinh doanh liên tục xuống dốc

Giống nhiều vụ thâu tóm cửa hàng, thương hiệu lớn, tập đoàn Central Group Thái Lan cũng “mạnh tay” chi 920 triệu euro (1,95 tỉ USD) để mua lại hệ thống Big C Việt Nam từ tay Casino (Pháp) vào tháng 4/2016. Toàn bộ số cổ phần tại Big C Thái Lan đã được ông Tos Chirathivat bán để thâu tóm Big C Việt Nam.

Theo Bangkok Post, ông Tos Chirathivat, Tổng giám đốc của Central Group, cho biết tập đoàn cho biết ý định tham gia vào mua Big C Việt Nam vì Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư chiến lược của tập đoàn này trong khu vực ASEAN.

Bán toàn bộ số cổ phần tại Big C Thái Lan để đầu tư vào Big C Việt Nam nhưng tình hình kinh doanh tại chuỗi hệ thống siêu thị bán lẻ này ngày càng "tụt dốc không phanh".

Tuy nhiên, kể từ khi Big C Việt Nam “rơi vào tay” ông chủ người Thái Lan, tình hình kinh doanh của hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ này không mấy khả quan. Chỉ trong 2 năm 2017 – 2018, doanh thu của các siêu thị Big C lớn trong hệ thống siêu thị Big C như: Big C Thăng Long, Big C An Lạc, Big C các tỉnh (Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai) đồng loạt đi xuống.

Điển hình tại Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống, doanh thu chỉ giậm chân ở mức 2.700 tỉ đồng. Lợi nhuận của Big C Thăng Long giảm 80 tỉ đồng chỉ trong 2 năm, từ 211 tỉ đồng (năm 2015) xuống còn 131 tỉ đồng (năm 2016). Dù năm 2017, Big C Thăng Long đã có lãi 193 tỷ đồng, tuy nhiên, đây là mức thấp so với 211 tỷ đồng năm 2015.

Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi xuống mức 1.300 tỉ trong năm 2017, giảm tới 50% so với năm 2012. Tại Big C An Lạc, lợi nhuận trước thuế vào năm 2015 đạt 184 tỉ đồng nhưng đến năm 2017 chỉ còn 92 tỉ đồng. 

Ba chuỗi Big C lớn tại các tỉnh Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai cũng không còn tăng trưởng nổi bật.

Mặc dù tình hình kinh doanh tại nhiều cửa hàng bán lẻ giảm sút những theo tuyên bố giữa năm 2018, tập đoàn Central Group cho biết vẫn sẽ chi thêm khoảng 17 tỷ baht nữa (tương đương 11.600 tỷ đồng) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Thu Trà
Cùng chuyên mục