Ông Nguyễn Đức Kiên: Cần nhận thức lại về công nghiệp hóa, về doanh nghiệp Việt
Trao đổi với Người Đồng Hành trước thềm năm mới, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ những ý tưởng về quá trình công nghiệp hóa cũng như triển vọng nền kinh tế năm 2020.
- 2020 có thể xem là một năm bản lề, khi Việt Nam vừa kết thúc một giai đoạn 10 năm, chuyển sang một giai đoạn mới. Thủ tướng từng khẳng định quyết tâm đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ đã được trì hoãn khá nhiều lần?
- Nước Pháp thực hiện công nghiệp hóa trong khoảng 300 năm, nước Anh là 340 năm, Mỹ là 270 năm... Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới từ năm 1986, nhưng có lẽ chỉ thực sự bắt tay làm công nghiệp hóa từ năm 1991. Chúng ta "sốt ruột" là khi so sánh với một số nước xung quanh bởi họ thực hiện việc này chỉ trong vài chục năm, với bối cảnh rất đặc thù. Bởi vậy, nói là đang đi nhanh cũng đúng mà chậm cũng không sai.
Để hiện thực hóa mục tiêu này phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Công nghiệp hóa không chỉ là cơ sở hạ tầng, là làm được ôtô, xây dựng sân bay, đường cao tốc... Đó còn là trình độ xã hội, lối sống, tư duy của con người công nghiệp hóa. Với Việt Nam, việc này còn là câu chuyện tái phân bổ nguồn lực xã hội sao cho hiệu quả, xác định vai trò của những đầu tàu đưa nền kinh tế tiến lên...
- Ông có thể nói rõ hơn về lối sống, tư duy công nghiệp là như thế nào?
- Muốn có lối sống, tư duy công nghiệp hóa thì phải bắt đầu từ cơ chế tiền lương của công nghiệp hóa, của kinh tế thị trường. Chúng ta nói nhiều về cải cách tiền lương nhưng hiện cơ bản vẫn theo nguyên lý của kinh tế kế hoạch. Lương đang được xác định theo mấy yếu tố: chi phí cho tái sản xuất lao động, chi phí nuôi con, cho đi học, chi phí nuôi cha mẹ già, giảm trừ gia cảnh... Như vậy không tôn trọng các quy luật của thị trường lao động, trong đó, lương là một yếu tố được quyết định bởi cung cầu của thị trường. Vấn đề tiền lương trong xã hội công nghiệp hóa phải tính theo giờ, chứ không phải ngày công như hiện nay.
Thu nhập được công nghiệp hóa thì quan niệm về nhà ở cũng sẽ được công nghiệp hóa, chính sách và thị trường bất động sản cũng sẽ được công nghiệp hóa. Người Việt vẫn quan niệm phải "sở hữu một chỗ ở". Muốn công nghiệp hóa thì phải đổi thành "có một chỗ để ở". Cải cách tiền lương phải đảm bảo với những người đi lao động có gia đình 2-3 thế hệ đủ thu nhập để sống, tái đầu tư sức lao động và thuê một căn hộ 2-3 phòng ngủ. Tiện ích đi kèm phải có trường học, gần chỗ làm...
Đến khi về hưu, tiền lương hưu, thu nhập giảm, con cái đã ra ở riêng thì phải đủ thuê căn hộ 1 phòng ngủ và có tiện ích đi kèm khi đó là bệnh viện, khu vui chơi, công viên giải trí...
Tóm lại, mỗi phân khúc nhà ở phải đáp ứng một nhóm đối tượng khác nhau, chứ không phải như bây giờ: Những người hưu trí và những người trẻ đang trong độ tuổi lao động cùng sống trong một khu... Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vấn đề phải giải quyết để có được một xã hội với lối sống, tư duy công nghiệp.
- Vậy còn vấn đề tái phân bổ nguồn lực xã hội thì sao?
- Các nghị quyết của Đảng và Chính phủ hiện đều xác định để phát triển kinh tế Việt Nam thì ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực mới là quyết định. Đồng thời, khu vực doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và FDI là ba trụ cột của nền kinh tế.
Tuy nhiên hiện khu vực tư nhân đang phát triển theo chiều rộng, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% nền kinh tế. Đây là xu hướng tất yếu mà bất cứ quốc gia nào cũng phải trải qua. Tại Đức, 92% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hàn Quốc tỷ lệ này là 90%, nhưng họ cũng có những doanh nghiệp đầu tàu cực kỳ "khỏe" như Siemens, Bosch, Volkswagen, BMW, Mercedes, Daewoo, Samsung... Việt Nam hiện nay có những doanh nghiệp như thế chưa? Bài toán đặt ra là có chấp nhận và có khả năng chuyển các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI để trở thành đầu tàu, trở thành "doanh nghiệp quốc gia" được hay không?
Làm được điều đó sẽ giúp rút ngắn được chu kỳ phát triển của doanh nghiệp, từ nhỏ đến vừa, đến lớn rồi thành doanh nghiệp quốc gia. Trường hợp chấp nhận thì cần chính sách gì để phân bổ nguồn lực quốc gia như thế nào cho những đầu tàu đó và những thành phần kinh tế khác. Tôi cho rằng việc phân bổ cần theo nguyên tắc đơn vị nào làm quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn thì được ưu tiên nguồn lực hơn, chấp nhận sự đào thải của thị trường với những doanh nghiệp yếu kém.
Đây là bài toán khó đối với người làm chính sách vĩ mô cũng như nhận thức xã hội, quan trọng hơn là làm thế nào để giải được bài toán tận dụng những đóng góp của doanh nghiệp vào quá trình phát triển của nền kinh tế? Đó chính là bài toán về phân bổ nguồn hiệu quả nguồn lực quốc gia.
- Như vậy có thể hiểu là bất kỳ thành phần kinh tế nào cũng có thể trở thành những "doanh nghiệp quốc gia"?
- Đúng vậy. Chẳng hạn với những công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm, có thể huy động nguồn lực của khu vực doanh nghiệp bằng cách liên kết họ với nhau để tự sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, lắp ráp... đáp ứng đặt hàng của nhà nước. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi dự định làm những công trình như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trước một vài năm, Chính phủ hoàn toàn có thể "đặt hàng" những VnSteel, Hòa Phát hay Formosa. Sau 6 tháng nhận được đề bài, doanh nghiệp phải trả lời có làm được không, giá có cạnh tranh với giá nhập khẩu vào cảng Hải Phòng hay Cái Mép không?... Khi được chọn thông qua đấu thầu công khai thì doanh nghiệp hoàn toàn có đủ thời gian để đầu tư, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc sản xuất...
Đến đây, cần nhận thức rằng sẽ không còn câu chuyện doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, hay FDI, mà chỉ còn là doanh nghiệp Việt. Đó sẽ là những đầu tàu kinh tế của quốc gia, đúng theo tinh thần của Thủ tướng là liên kết doanh nghiệp Việt để tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
- Về kinh tế vĩ mô, ông đánh giá kết quả điều hành năm qua như thế nào?
- Là người làm tư vấn, tôi nhìn nhận năm qua Chính phủ đã tập trung làm nhiều việc vĩ mô hơn là vi mô, chuyển dần sang vai trò xây dựng khung chính sách. Việc điều hành kinh tế vĩ mô cũng rất chững chạc, tự tin. Chẳng hạn việc Ngân hàng Nhà nước nâng dự trữ ngoại hối từ 57 tỷ USD lên 80 tỷ, tức tăng khoảng 25% mà không gây áp lực lên lạm phát, thị trường ngoại hối ổn định...
Tiếp nữa phải kể đến hoạt động kinh tế đối ngoại chưa bao giờ đạt được những thành tựu như năm 2019. Tiêu biểu là việc Việt Nam rất chủ động làm việc với phía Mỹ khi nước này xem xét chúng ta có phải nước "thao túng tiền tệ" hay không, cũng như vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt bị phát hiện trước khi được xuất sang Mỹ... Trong cả 2 vụ việc này, Chính phủ đã chủ động làm việc, cung cấp thông tin... nên phía Mỹ đánh giá chúng ra rất "đàng hoàng", không những tránh được hậu quả mà còn mang lại những lợi ích thương mại khác cho Việt Nam sau đó.
Những sự ổn định, chững chạc này phần nào được phản ánh trên thị trường chứng khoán, Vn-Index tăng 7,6%. Trong năm có thể có những phiên giảm 5-10 điểm nhưng không tạo thành xu hướng, không tạo ra khủng hoảng.
- Với tiền đề như vậy, ông kỳ vọng gì vào bức tranh kinh tế 2020?
- Tôi kỳ vọng ở 3 điểm. Trước hết là việc ổn định vĩ mô được duy trì. Nói kỳ vọng là vì điều này không chỉ phụ thuộc vào thị trường Việt Nam mà còn cả tình hình thế giới, vốn đang nhiều bất ổn.
Thứ hai là việc khởi công các công trình hạ tầng có thể giúp thu hút được nguồn vốn xã hội và tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt. Ví dụ, sân bay Quốc tế Long Thành khởi công với tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng, nhưng có thể đưa vào lưu thông một lượng vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng nữa từ các thành phần kinh tế khác, khi họ hợp tác kinh doanh, mua sắm thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Kỳ vọng này nằm trong tầm tay, bởi kế hoạch đầu tư đã có và ngân sách đã sẵn sàng. Điều quan trọng là nếu có ổn định kinh tế thì nhà đầu tư mới dám bỏ tiền.
Cuối cùng, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ có bước tiến trong việc gây dựng hệ sinh thái mới cho nguồn nhân lực Việt: Từ việc thay đổi căn bản nền giáo dục, chuyển từ "học tập kiến thức từ thế giới" sang "nắm được phương pháp để học tập kiến thức từ thế giới", cho đến đổi mới giáo dục nghề nghiệp.
Nhà nước hàng năm có một khoản ngân sách nhất định dành cho giáo dục nghề nghiệp, hiện được giao cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội để tổ chức từ đầu đến cuối. Hoạt động này thời gian tới có thể thay đổi theo hướng nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp cùng phối hợp đào tạo.
Doanh nghiệp thông báo nhu cầu nhân lực cho nhà nước, cam kết mức lương phù hợp với vị trí đào tạo và thời gian làm việc tối thiểu. Nhà nước từ đó đặt hàng cơ sở giáo dục nghề nghiệp với những tiêu chuẩn cụ thể. Mỗi lao động đào tạo thành công, cơ sở đào tạo cũng nhận được chi phí từ nguồn ngân sách nêu trên của nhà nước và chịu một hệ số rủi ro nhất định với những trường hợp đào tạo không thành công.
Như vậy, doanh nghiệp không chỉ được cung cấp nguồn tài chính đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần nâng cao năng suất của họ. Nhà nước sẽ thu lại chi phí đào tạo ban đầu bằng nguồn thu thuế cá nhân và thu nhập doanh nghiệp. Đây mới là phương thức đào tạo nguồn nhân lực mới, vừa đáp ứng nguyên tắc thị trường vừa chia sẻ gánh nặng ngân sách với nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong những năm tiếp theo.