Ông Nguyễn Văn Thân: Ở "sân chơi" lớn như EU, doanh nghiệp chỉ nỗ lực thôi chưa đủ
Sáng 5/6, Bộ Công Thương phối hợp với VINASME tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề "Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Văn Thân cho biết, hiện nay tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong đó, số doanh nghiệp siêu nhỏ (với số lao động không quá 10 người và tổng số vốn không quá 3 tỷ VNĐ) và doanh nghiệp nhỏ (số lượng lao động không quá 100 người, tổng số vốn dưới 20 tỷ VNĐ) chiếm đến trên 70%.
"Do đó, bước vào thực thi EVFTA, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở, vì nguồn vốn rất hạn chế. Trong khi các điều kiện theo quy định của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa... là rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn", ông Thân nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa.
"Khi bước chân vào thị trường mới, doanh nghiệp Việt còn phải chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU. Đó là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hóa của họ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh rất cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế của EVFTA. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên sân nhà", ông Thân phân tích.
Cũng theo nhận định của ông Thân, vấn đề lớn doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải nữa là về thiếu thông tin thị trường EU. Theo đó, hiện tại, đa phần các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm qua các trang website của Việt Nam giới thiệu về đất nước, về thị trường EU. Tuy nhiên, các website này không được cập nhật thường xuyên.
"Mặc dù, Bộ Công Thương, các bộ ngành hữu quan cùng các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước ngoài và đặc biệt tại các nước EU thời gian qua cũng rất cố gắng, nỗ lực cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp, nhưng theo chúng tôi là chưa đủ.
Các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần chủ động tiếp cận các nguồn thông tin thông qua các trang website của các nước trong thị trường EU. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho nhân viên. Đặc biệt, nhân viên xuất nhập khẩu có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nhất định, đủ để tiếp cận các thông tin từ các trang web nước ngoài vì muốn tận dụng các cơ hội tốt từ EVFTA", ông Thân cho biết thêm.
Theo đó, ông Thân nhận định, hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa sẵn sàng để bắt đầu cuộc chơi lớn EVFTA. Nếu không có sự chuẩn bị, doanh nghiệp Việt rất dễ thua tại "sân chơi" lớn châu Âu.
"Như chúng ta đã biết, EVFTA sẽ là một sân chơi thương mại giữa EU và Việt Nam. Nói đến sân chơi thì điều không thể tránh khỏi là sẽ có người thắng và người thua. Do vậy, sẽ có rất nhiều thay đổi đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp vì rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi và thậm chí một số doanh nghiệp có thể sẽ không tồn tại, nếu như không thay đổi và thích ứng kịp thời khi tham gia thực thi Hiệp định", ông Thân nhận định.
Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sở dĩ Bộ Công Thương lựa chọn và đề nghị VINASME tổ chức hội nghị này vì sau nhiều FTA đã bộc lộ ra các bất cập và tồn tại. Đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các cơ quan quản lý nhà nước phải rút kinh nghiệm.
"Dường như vẫn còn có khoảng cách giữa các cơ quan trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện với các cơ quan cùng tham gia. Trong đó, Việt Nam là nước đang phát triển, có tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98%, có thể thấy được yêu cầu và đòi hỏi lớn như thế nào. Vì vậy, Bộ Công Thương thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ đã xây dựng một cách chủ động Kế hoạch hành động của Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi FTA này", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm.