Ông Trump lại gây sức ép giảm lãi suất, chứng khoán Mỹ vẫn phản ứng dè dặt
Ông Trump nhận định hành động của FED trong những tháng qua là tệ hại!
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 0,1% lên 27.221,35 điểm. Chỉ số S & P 500 giảm 0,16% xuống 3.020,97 điểm sau khi cổ phiếu một số doanh nghiệp dịch vụ tài chính và tiêu dùng giảm giá. Chỉ số tổng hợp NASDAQ cũng giảm 0,44% xuống 8.293,33 điểm tại thời điểm đóng cửa, do mức giảm 1,5% từ Amazon, 0,2% từ Microsoft và 1,9% từ Facebook.
Vào 14:30 chiều 31/7 (giờ Mỹ), Chủ tịch Jerome Powell sẽ có văn bản công bố mức điều chỉnh lãi suất của FED nhằm can thiệp vào tình trạng bất ổn của nền kinh tế hiện nay. Mặc dù nhiều chỉ số kinh tế đều cho thấy sự tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng ngân hàng Trung Ương cắt giảm lãi suất vay ít nhất 0,25%, lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2008. FED được cho là đang lường trước những rủi ro suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2019 và sẽ hành động để duy trì sự tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc hoàn toàn.
Thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ khả năng mở ra những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo từ nay đến cuối năm. Một số nhà kinh tế dự đoán FED có thể ra quyết định cắt giảm tới 3 lần trong năm nay, với tổng mức cắt giảm lên tới 0,7%.
Cũng trong ngày 29/7, Tổng thống Donald Trump tiếp tục chỉ trích sự phản ứng mà ông cho là “thờ ơ” của FED với nền kinh tế trong những tháng trước, khi Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, bơm các gói kích cầu vào hệ thống tài chính của họ để hỗ trợ nền sản xuất. Trong khi đó, FED đã không làm gì cả bất chấp mức lạm phát thấp dưới ngưỡng mục tiêu 2%. Một điều tệ hại”.
Nhận định của ông Trump được đưa ra ngay trước thềm phiên họp của FED cũng như vòng đàm phán thương mại Mỹ Trung tại Thượng Hải. Phái đoàn thương mại Mỹ đã bay sang Trung Quốc trong nỗ lực hội đàm kéo dài hai ngày 30-31/7 để xây dựng một thỏa thuận thương mại và triệt để chấm dứt xung đột kéo dài hơn một năm nay.
Nhiều nhà phân tích tỏ ra không lạc quan với một thỏa thuận lớn, khi mà thiện chí giữa hai bên là mờ nhạt cho đến thời điểm này. Các mâu thuẫn cơ bản dẫn đến sự đổ vỡ đàm phán hồi đầu tháng 5 liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để. Dù vậy, hai phái đoàn về cơ bản vẫn có nhiều khả năng đạt tới đồng thuận ở một số mục tiêu khiêm tốn hơn.