Phải dùng nửa triệu kWh/tháng mới được mua điện trực tiếp mà không qua EVN
Bộ Công Thương đưa cơ chế mua điện trực tiếp: Phải dùng 500.000 kWh/tháng
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).
Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.
Trong quy định liên quan đến hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương quy định hai hình thức mua bán qua điện lưới quốc gia và mua bán trực tiếp bằng đường dây riêng kết nối trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.
Bộ Công Thương có quy định, các nhà phát triển điện tái tạo được bán trực tiếp cho hộ sử dụng điện lớn, qua đường dây riêng hoặc qua lưới truyền tải quốc gia.
Nếu mua qua đường dây riêng, các bên phải tuân thủ các quy định về quy hoạch, đầu tư và cháy nổ… Trường hợp mua bán điện riêng, các bên sẽ không bị giới hạn các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp, mục đích sử dụng điện và được cho cơ chế tự thoả thuận giá điện với nhau.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng xây dựng phương án nhà phát triển điện bán trực tiếp cho hộ sử dụng điện lớn thông qua lưới truyền tải quốc gia. Trong trường hợp này, các bên sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định về giá điện, mạng lưới điện do cơ quan chức năng ban hành.
Trường hợp khách hàng lớn vừa sử dụng điện quốc gia vừa sử dụng điện mua bán trực tiếp từ các nhà phát triển điện, các bên sẽ thực hiện theo quy định về giá bán điện do cơ quan chức năng ban hành.
Bộ Công Thương đưa ra điều kiện cần và đủ cho khách hàng sử dụng điện lớn lổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp mua điện đấu nối từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh. Giai đoạn đầu sẽ áp dụng cho khách hàng sản xuất; sau đó mở rộng cho các khách hàng sử dụng điện khác.
Khách hàng sử dụng điện lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo quy định tại Nghị định này khi đáp ứng các điều kiện: Thống nhất với đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất về việc chấm dứt hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Đối với mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Trong giai đoạn đầu, Bộ Công Thương cho phép đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục mở rộng loại hình công nghệ phát điện khác (thủy điện, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt,…) căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện và tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Bộ cũng quy định, trước ngày 20 hàng tháng, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về kết quả thực hiện mua bán điện trực tiếp, các vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương về kết quả thực hiện mua bán điện trực tiếp của năm trước liền kề, các vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Hàng quý EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương tình hình áp dụng đối với từng đối tượng, đánh giá các tác động tiêu cực và kiến nghị giải pháp điều chỉnh về quy định mua bán điện trực tiếp (nếu có).
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 30/4/2024.