Phí "chát" của dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới

04/01/2023 10:25 GMT+7
Nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới gia tăng, nhân viên ngân hàng "nóng ruột" vì nguồn tiền không còn được dư dả. Trong khi đó, trên chợ online dịch vụ đổi tiền mới, lẻ vẫn quảng cáo rầm rộ, dân "buôn tiền" được đà hét phí.

Cứ "đến hẹn lại lên", cận Tết Nguyên đán việc đổi tiền lẻ, tiền mới lại trở thành chủ đề "nóng" tại các diễn đàn, mạng xã hội và thậm chí tại chính các ngân hàng thương mại.

Phí "chát" của dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới

"Bên mình tiền mới vẫn chưa về, nên để chắc chắn, A. có hỏi được mối nào cứ hỏi nhé. Mình vẫn đăng ký đổi cho A. nhưng năm nay khó quá, mọi năm nhân viên ngân hàng còn có suất, năm nay cắt hẳn luôn",

"Là khách hàng VIP tại các ngân hàng, vì vậy năm nào cũng được nhân viên ngân hàng hỗ trợ đổi tiền mới, tiền lẻ. Nhưng năm nay đã sát Tết nhưng nhân viên ngân hàng vẫn "lắc đầu" vì nguồn tiền mới, lẻ không còn được dư dả như mọi năm".

Đó là những câu trả lời phổ biến mà các khách hàng nhận được khi liên hệ đổi tiền mới, lẻ tại các ngân hàng thương mại trong dịp cận Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.

Chia sẻ với PV, nhân viên quầy của một ngân hàng thương mại quốc doanh tại Hà Nội cũng thừa nhận, đến lúc này vẫn chưa có tiền lẻ về. Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt với hoạt động đổi tiền lẻ dịp Tết 2021. Theo đó, từ năm 2021, Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đổi tiền mới cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ của Ngân hàng Nhà nước.

"Như năm trước, người thân bạn bè nhờ cũng không có tiền lẻ, mới để đổi. Nhân viên như chúng tôi chỉ đăng ký được một số lượng nhất định để phục vụ các khách VIP của mình như một cách chăm sóc vào những dịp đặc biệt. Năm nay, việc đổi tiền càng khó khăn, đến thời điểm này chưa có bất cứ động tĩnh nào trong khi các khách hàng đã xin đổi rất nhiều", nhân viên này cho hay.

Phí "chát" của dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới - Ảnh 1.

Hình ảnh được quảng cáo về dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới tràn ngập trên mạng xã hội. (Nguồn: FBNV)

Trong khi nhân viên ngân hàng "nóng ruột" vì nguồn tiền mới, lẻ không còn được dư dả thì trên chợ online dịch vụ đổi tiền mới, lẻ vẫn quảng cáo rầm rộ, dân "buôn tiền" được đà hét phí cao. Không chỉ cá nhân, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới liên tiếp được ra đời với quy mô lên với cả nghìn thành viên. Mức phí đổi tiền lên tới 15%, tùy mệnh giá.

Tài khoản Facebook H.C cho biết, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng có mức phí dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng phí là 80.000/1 triệu còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 6%. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái mức phí đổi tiền các mệnh giá từ 10.000 đồng – 50.000 đồng chỉ 4 - 5%.

"100% tiền đổi cho khách nhà tôi đều là loại mới tinh, nguyên cọc, nguyên seri. Đặc biệt là nói không với các loại tiền lướt, đã ra vào thị trường. Tôi làm nghề lâu năm nên tiền trong nhà lúc nào cũng có sẵn, chỉ cần alo là có hàng", chị nói.

Việc Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá thấp trong dịp Tết Nguyên đán nên nguồn tiền lẻ ngày càng khan hiếm. Đây chính là lý do phí đổi tiền ngày càng "đội lên" theo từng năm, bà chủ Facebook nay thông tin thêm.

Xử lý nghiêm đổi tiền lẻ, tiền mới không đúng quy định

Ngân hàng Nhà nước cho biết, để đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán, phục vụ lưu thông hàng hóa tiền tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước luôn cung ứng và đáp ứng đủ tiền mặt cả về số lượng, cơ cấu và mệnh giá thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là cho các doanh nghiệp thương mại, các siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch.

Nhưng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tình trạng đổi tiền mới nhộp nhịp trên mạng có thu phí thường diễn ra dịp cận Tết Nguyên Đán, dù vi phạm pháp luật.

Vì thế, các cơ quan chức năng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý tốt để hạn chế sai phạm phát sinh, đảm bảo an ninh an toàn tiền tệ.

Trước đó, ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện: xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định dịp Tết Âm lịch 2023. Đồng thời, tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá. Bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Phí "chát" của dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới - Ảnh 3.

Nguồn: FBNV

Thực tế, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn không in tiền mới có mệnh giá nhỏ.

Các chuyên gia cảnh báo, việc đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng không những vi phạm pháp luật mà người dân còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, 'bùng' cọc.

Vì vậy, để tránh "tiền mất, tật mang", luật sư Nguyễn An (Đoàn luật sư Hà Nội) khuyến cáo, mỗi người dân trước khi giao dịch cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc trước cho người lạ và nên đến ngân hàng để đổi tiền.

Hiện nay, việc đổi tiền thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước.

H.Anh
Cùng chuyên mục