Phiên điều trần của FED: Vì sao cơ hội cắt giảm lãi suất vẫn rộng mở?
Thị trường lao động Mỹ đã chứng kiến sự tăng trưởng việc làm vượt xa kỳ vọng trong tháng 6, nhưng mặc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của dữ liệu kinh tế này, thị trường vẫn kỳ vọng hơn 90% cơ hội Cục Dự trữ Liên Bang FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Những kỳ vọng này chính là động lực thúc đẩy cổ phiếu lên mức kỷ lục trong chuỗi ngày đầu tháng 7.
Mặc dù giá cổ phiếu vài ngày gần đây đã hạ nhiệt, ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và NASDAQ vẫn đánh dấu những mốc kỷ lục trước khi dữ liệu kinh tế cho thấy biên chế việc làm tại Mỹ đã tăng 224.000 việc làm vào tháng 6 từ con số thấp kỷ lục 72.000 việc làm hồi tháng 5. Tuy nhiên, để so sánh với tăng trưởng việc làm trung bình 223.000 mỗi tháng hồi năm 2018, thì con số trung bình năm 2019 là 172.000 vẫn còn kém xa.
Xét trên khía cạnh vĩ mô, những dữ liệu kinh tế tương lai vẫn báo hiệu một sự giảm tốc của kinh tế Mỹ do cách tiếp cận của Trump với chiến tranh thương mại đang làm suy yếu niềm tin cùng chỉ số tiêu dùng. Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, dữ liệu thị trường lao động có vẻ đang “tụt hậu” và chưa phản ánh sát thực trạng ấy. Cụ thể, ngành sản xuất của Mỹ đã có một tháng 6 không mấy khả quan khi chỉ số sản xuất IHS Markit tụt xuống 50,1, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016.
Và đây là một trong những lý do đa số các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin kiên định vào việc FED sẽ cắt giảm lãi suất sau cuộc họp định kỳ của Ủy ban thị trường mở được ấn định vào ngày 30-31.7 tới đây.
Quan ngại chiến tranh thương mại
Thị trường chứng khoán có vẻ như đã hồi phục hồi đầu tháng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump đồng ý nối lại vòng đàm phán thương mại. Trong khi ông Trump gây bất ngờ với hứa hẹn sẽ gỡ bỏ một số cấm vận với Huawei, Trung Quốc cũng đồng ý tăng cường mua nông sản Mỹ.
Tuy nhiên, không mất bao lâu để thị trường nhận ra Trump và ông Tập Cận Bình chỉ đưa thương chiến về một tình huống giống y hệt tháng 12 năm ngoái, sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Một sự “hoãn binh” tạm thời từ cả hai phía không mở ra con đường rõ ràng nào cho thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh không đưa ra thông tin chi tiết nào về thời gian tiến hành các giao dịch nông sản với Mỹ, thậm chí còn tuyên bố chỉ có thể đi đến thỏa thuận nếu Mỹ đồng ý xóa bỏ mọi thuế quan đang áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Ở phía ngược lại, Mỹ chỉ hoãn lệnh trừng phạt thuế quan với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng vẫn bảo trì quan điểm áp thuế một số sản phẩm để đảm bảo sự tuân thủ quy tắc thương mại của Trung Quốc.
Một sự “hoãn binh” tạm thời từ Mỹ và Trung Quốc không mở ra con đường rõ ràng nào cho thỏa thuận thương mại.
Giờ đây, lệnh trừng phạt thuế quan vẫn lơ lửng giữa thương chiến khi mà cả hai bên không tỏ rõ một sự nhượng bộ rõ rệt nào. Trong khi đó, Chính quyền Trump đã tỏ ra sẵn sàng sử dụng rào cản thuế quan như một công cụ trong chính sách đối ngoại của mình. Ông Trump khẳng định nước Mỹ là kẻ chiến thắng, bởi lệnh trừng phạt thuế quan đang trực tiếp khiến hàng ngàn doanh nghiệp rút chân khỏi thị trường Trung Quốc và ngành sản xuất của Trung Quốc thì lao đao.
Nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp Mỹ có lý do để lo lắng nếu Trump tiếp tục áp thuế 25% với 300 tỷ USD hàng hóa bổ sung, một động thái khởi động sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hậu quả của chiến tranh thương mại đã hiển thị rõ mồn một trong các dữ liệu công nghiệp. General Motors hồi tuần trước cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong quý II giảm 12,2%, trong khi thống kê của Ford cũng cho thấy sự giảm doanh số 21,7%. Hồi quý I/2019, doanh số bán hàng của GM tại Trung Quốc cũng giảm 17,5% còn doanh số Ford giảm tới 38,5%.
Các lô hàng vận tải qua đường bộ tại Mỹ cũng giảm tốc trong 6 tháng đầu năm, một trong những dữ liệu báo hiệu sự khởi đầu của suy thoái kinh tế - ông Donald Broughton người sáng lập Broughton Capital nhận định. Bởi vậy, mặc cho dữ liệu việc làm sáng lên, kỳ vọng về FED cắt giảm lãi suất trong phiên họp cuối tháng 7 gần như không hề suy suyển.
Bức tranh doanh thu quý II báo hiệu suy thoái kinh tế gần kề
Các công ty sẽ có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý II vào cuối tháng 7 này, qua đó cho thấy bức tranh rõ nét hơn về nền kinh tế. Ned Davis Research nhận định, lợi nhuận thực của doanh nghiệp đã đạt đỉnh hồi quý III/2018 ở mức 2,312 USD và liên tục giảm xuống cho đến đầu năm 2019.
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán vẫn tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tháng 7, ngay cả khi lợi suất trái phiếu giảm như dấu hiệu cho một cuộc suy thoái. Mâu thuẫn này có thể được giải thích bằng sự mua lại cổ phiếu của các công ty nhằm che giấu sự sụt giảm lợi nhuận của toàn nền kinh tế, theo Ned Davis Research.
Trong 12 tháng tính đến tháng 3.2019, các khoản mua lại cổ phiếu quỹ đã đạt tới 823,2 tỷ USD trên mức lợi nhuận 1,129 nghìn tỷ USD. Trong cùng kỳ năm trước đó, các khoản mua lại cổ phiếu quỹ chỉ rơi vào khoảng 575,3 tỷ USD với lợi nhuận 986,5 tỷ USD. Các công ty Mỹ đã mua lại 4,7 nghìn tỷ USD cổ phiếu quỹ của chính họ trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2018, theo thống kê của S&P Dow Jones.
Phản ứng từ Quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới
Ngay cả tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock giờ đây cũng tỏ ra thận trọng về tiềm năng FED cắt giảm lãi suất. Hồi năm ngoái, BlackRock chỉ là một trong rất nhiều quỹ phòng hộ chịu tổn thất lớn do sự lao dốc của thị trường chứng khoán và 4 lần FED tăng lãi suất. BlackRock đổ lỗi cho cuộc chiến tranh thương mại và những bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang làm mờ đi triển vọng tăng trưởng.
Nhận xét về Trung Quốc, BlackRock cho rằng thị trường dường như đã lạc quan quá mức về những nỗ lực kích thích tăng trưởng của quốc gia này. Họ thậm chí đang đánh giá thấp mối liên kết giữa cổ phiếu Trung Quốc với thị trường Châu Á. Những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi Trung Quốc nhiều năm nắm giữ vai trò trung tâm sản xuất của thế giới, đang có nguy cơ trở thành cú sốc cho toàn cầu.
Tuy nhiên, thận trọng không đồng nghĩa với việc BlackRock “giữ tiền trong kho”. Thực tế, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới đặt kỳ vọng FED nới lỏng chính sách tiền tệ và tỏ ra lạc quan vào thị trường chứng khoán Mỹ, dựa trên nhiều dấu hiệu đang hứa hẹn sự cắt giảm lãi suất và sự vay tiền dễ dàng hơn để kích thích nền kinh tế. Cỗ máy “easy-money” dường như đang hoạt động trở lại.
Sức ép từ Donald Trump
Ông Trump nhiều lần chỉ trích các chính sách tăng lãi suất và phản ứng của FED trước diễn biến nền kinh tế
Quay trở lại từ Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Trump tiếp tục hướng sự công kích về phía FED và Chủ tịch FED Jerome Powell, thậm chí còn cân nhắc ứng viên mới kế nhiệm ông Powell.
“Vấn đề của Mỹ không nằm ở đối thủ của chúng ta, mà nằm ở FED. FED đã tăng lãi suất quá sớm, quá thường xuyên mà không dựa trên một cơ sở nào”. Ông Trump đang muốn nhắc lại 4 lần tăng lãi suất của FED hồi năm 2018, khi Mỹ bắt đầu bị cuốn vào cuộc thương chiến với Trung Quốc và FED nhiều lần đi ngược lại sự kêu gọi giảm lãi suất của ông.
Ông Trump được cho là đã thảo luận với các luật sư Nhà Trắng về việc sa thải Jerome Powell và xem xét ứng viên thay thế ông Powell trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thống đốc FED. Tuy nhiên, đáp lại điều này, ông Powell khẳng định hành động của FED độc lập với các yếu tố chính trị và mong muốn của thị trường, và ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình trên cương vị Chủ tịch FED cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Thực tế, nhiều khả năng ông Trump không có đủ quyền hạn để bãi nhiệm Chủ tịch FED theo luật pháp Mỹ, trừ khi Chủ tịch có hành động vi phạm luật pháp quốc gia hoặc các sai lầm nghiêm trọng.
“Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ như tên lửa một khi FED chịu nới lỏng chính sách tiền tệ” - ông Trump tuyên bố với giới truyền thông hồi đầu tháng 7.
Jerome Powell sẽ làm gì?
Jerome Powell - Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục dự trữ Liên bang FED, người có ảnh hưởng lớn đến các quyết định cắt giảm lãi suất
Đối mặt với hàng loạt dữ liệu nền kinh tế hỗn loạn trên đây, thị trường kỳ vọng ngân hàng Trung Ương và FED sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất khoảng 0.25% vào cuối tháng 7. Carl Tannenbaum, nhà kinh tế học từ Northern Trust đã nhận định: “Tôi không nghĩ những dữ liệu việc làm tăng trưởng đủ để giữ FED ngừng việc cắt giảm lãi suất. Dù mức cắt giảm 0,5% đã trở nên quá xa vời, ta vẫn có thể hy vọng vào mức cắt giảm khoảng 0,25%”. Rõ ràng, Chủ tịch Jerome Powell và các cộng sự của ông tại FED đã nhiều lần ám chỉ về một sự cắt giảm lãi suất ngay trước mắt, với những phát ngôn như sẽ có “hành động phù hợp” để duy trì sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Như vậy, bất kỳ phản ứng nào của FED đi ngược lại các dấu hiệu ấy khiến thị trường thất vọng đều có nguy cơ tạo ra một “cơn giận dữ thị trường” tương tự như cơn thịnh nộ hồi năm 2013. Khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng vọt do FED hoãn lại kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ.
Phiên điều trần của FED hôm 10.7 tới, ngay trước thềm phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thị trường mở FOMC có thể sẽ cung cấp thêm manh mối cho các nhà đầu tư về việc có hay không đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Nhưng nên nhớ rằng, tại cuộc họp của FOMC hồi tháng 6, vẫn có nhiều ý kiến đồng thuận không cắt giảm lãi suất trong năm 2019. Và Richard Clarida - Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang cũng từng không dưới một lần nhấn mạnh việc FED không hoạt động dựa trên ý chí, mong muốn của thị trường.