Philippines tiếp tục "bật đèn xanh" cho nhà thầu Trung Quốc tai tiếng
Antonio Tiu, Giám đốc điều hành của Philippine Infradev Holdings hôm 11/9 xác nhận với tờ Nikkei Asian Review rằng chính phủ Philippines trong tuần này đã đạt được thỏa thuận hợp đồng xây dựng tuyến tàu điện ngầm Makati với nhà thầu Tổng Cục II Công ty xây dựng Trung Quốc. Hợp đồng bao gồm các hạng mục dân dụng, cơ khí, hệ thống điện nước cho dự án Makati và đã được ký kết trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế về Thương mại Dịch vụ, Vành đai và Con đường diễn ra tại Bắc Kinh.
Tuyến tàu điện ngầm Makati có chiều dài ban đầu là 8km với 8 nhà ga chạy quanh thành phố, đi qua khu thương mại Makati vốn được mệnh danh là “phố Wall của Manila”. Theo ông Antonio Tiu, tuyến tàu có thể phục vụ tới 700.000 hành khách mỗi ngày. Dự án được tài trợ một phần bởi các nhà đầu tư Trung Quốc và đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.
Ông Tiu cho biết thêm đã có một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có ý định tham gia với tư cách nhà thầu trong dự án tàu điện ngầm Makati, nhưng Tổng Cục II Công ty xây dựng Trung Quốc là đơn vị đưa ra các điều khoản tốt nhất. Công ty này thuộc Tổng Công ty Xây dựng nhà nước Trung Quốc - nhà thầu xây dựng lớn nhất hành tinh và còn từng bị Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách đen năm 2009 vì cáo buộc tham nhũng trong một dự án giao thông tại Philippines. Nhưng sau đó, Tổng Cục II công ty xây dựng Trung Quốc đã khẳng định họ hoàn toàn tuân thủ pháp luật địa phương và phản đối các hành vi tham nhũng bị cáo buộc.
Thỏa thuận được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây nhấn mạnh rằng Manila cần thêm các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế. Philippines đã rơi vào suy thoái từ quý trước và hiện đang dựa vào Chiến dịch 3B (Build, Build, Build) trị giá 180 tỷ USD mà chính quyền ông Duterte khởi xướng để tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế.
Việc để một nhà thầu Trung Quốc tiếp quản dự án tàu điện ngầm Makati cũng là phản ứng mới nhất của Philippines trước vụ việc Washington trừng phạt 24 công ty Trung Quốc đóng vai trò trong việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm cả những khu vực tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc.
Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng nằm trong số những công ty đang bị Mỹ trừng phạt. Nhưng tại Philippines, CCCC tiếp tục được chính quyền ông Duterte “bật đèn xanh” dù các chuyên gia nhận định rằng hành động như vậy có thể để lại hậu quả nặng nề do Philippines trong dài hạn.
CCCC đang tham gia dự án sân bay quốc tế nằm ở Sangley Point, tỉnh Cavite vùng ngoại ô phía Nam Manila. Dự án có trị giá khổng lồ lên tới 10 tỷ USD. Theo chuyên gia người Philippines Richard Javad Heydarian, tiến trình đấu thầu sân bay Cavite là không minh bạch bởi liên doanh trúng thầu của CCCC là đơn vị duy nhất tham gia đấu thầu. Mặt khác, CCCC cũng từng bị Ngân hàng Thế giới World Bank đưa vào danh sách đen từ năm 2011-2017. Nhưng trong tuần này, Phát ngôn viên Tổng thống Duterte, ông Harry Roque đã khẳng định dự án sân bay vẫn sẽ được tiến hành như bình thường.
Trong bối cảnh Tổng thống Duterte chỉ còn gần 2 năm nữa cho nhiệm kỳ 6 năm của mình, ông này đang vội vàng chứng minh hiệu quả từ chính sách kinh tế liên minh với Trung Quốc. Dù rằng đến nay, các nhà phân tích đang tỏ ra nghi ngờ về chiến lược này, nhất là khi suốt 4 năm qua Bắc Kinh mới chỉ rót được hơn 900 triệu USD đầu tư cơ sở hạ tầng vào Philippines, tức khoảng 10% so với những gì chính quyền ông Tập Cận Bình hứa hẹn vào năm 2016.