Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Tăng tỉ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ngày 9/1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động nghiêm trọng, chưa từng có do đại dịch Covid-19, ngành công thương đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19%, duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỉ USD.
Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân; đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW. Đặc biệt, đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho nhiều đối tượng khách hàng, 5 đợt giảm với số tiền gần 17.000 tỉ đồng.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường; phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh dịch Covid-19 (xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng 14,2%, UKVFTA tăng 15,4%...); cùng các đối tác đưa Hiệp định RCEP vào thực thi từ tháng 1-2022, qua đó tạo lập một khu vực thị trường mới, lớn, ổn định lâu dài cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng điểm qua một số kết quả về sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid- 19 đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp. Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo một số kết quả nổi bật ngành công thương
Nhấn mạnh thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết mặc dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài tại cửa khẩu.
Bên cạnh các kết quả đạt được của ngành công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã thẳng thắn chỉ rõ Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm; cơ chế điều hành giá điện (đặc biệt giá FIT đối với các dự án năng lượng tái tạo), vấn đề điều độ hệ thống điện còn bất cập. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của một số tập đoàn, doanh nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp.
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành công thương tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản…
Phó Thủ tướng lưu ý, ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh đến yêu cầu không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, quyết tâm đưa các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2… vào vận hành trong năm 2022 theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, ngành công thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.
Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, tận dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số để hỗ trợ cho xuất khẩu.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành công thương quan tâm đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, cải cách hành chính...