Phú Quốc muốn lên thành phố trước khi làm đặc khu
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc hiện nay là đơn vị hành chính cấp huyện loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, theo tỉnh này, mô hình chính quyền nông thôn hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái…
UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc thành lập thành phố Phú Quốc là cần thiết.
Vì vậy UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc thành lập thành phố Phú Quốc là cần thiết để thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị cho phù hợp.
Mặt khác, việc thành lập thành phố sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế…
Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang dự kiến thành lập 8 phường thuộc thành phố Phú Quốc gồm Dương Đông, An Thới, Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Bầu, Bãi Thơm và xã Thổ Châu.
UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng đây là “ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung”.
Đáng nói, Phú Quốc từng là một trong những đơn vị dự kiến lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thông qua. Tuy nhiên, hiện nay dự luật này đang phải dừng lại để nghiên cứu thêm.
Cho nên UBND tỉnh Kiên Giang muốn thành lập thành phố Phú Quốc trước khi Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để sau đó, tỉnh này sẽ đề xuất thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trên cơ sở thành phố Phú Quốc.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án thành lập đơn vị Thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh, để tạo điều kiện Phú Quốc phát huy tốt hơn các tiềm năng và phù hợp với tình hình thực tế của huyện đảo lớn nhất nước này (gần 600 km2).
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang cũng được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giao xây dựng Đề án thành lập Đặc khu Phú Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ.