Quảng Ngãi thu nộp trên 77,5 tỷ đồng từ xử lý vi phạm, gian lận thương mại
Sáng 1/10/2025, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt Ban Chỉ đạo 389), đã có cuộc họp tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi, trong năm qua 2024, thực hiện chỉ đạo của cấp, ngành chức năng T.Ư và tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi, đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt phòng ngừa, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sự chủ động, tích cực và tổ chức phối hợp tốt, lực lượng chức năng Quảng Ngãi đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn bắt giữ và xử lý hàng loạt vụ vi phạm pháp luật gian lận thương mại và hàng giả, buôn lậu… góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương.
Cụ thể qua theo dõi, kiểm tra lực lượng thành viên của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra, phát hiện hơn 1.300 vụ/1.360 đối tượng vi phạm.
Theo đó đã tiến hành xử lý hơn 200 vụ mua bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; hơn 1.100 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; hơn 30 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… thu nộp ngân sách nhà nước hơn 77,5 tỷ đồng.
Nói về kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhìn nhận, đây là những nỗ lực, chủ động, tích cực của lực lượng thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2024.
Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tiếp tục đề ra những biện pháp, giải pháp hữu hiệu để thực hiện và đạt kết quả tốt hơn, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.