Quảng Ninh đặt mục tiêu doanh thu ngành du lịch đạt 50.000 tỷ đồng trong năm 2025

23/12/2024 14:43 GMT+7
Dù chưa hết năm 2024, các chỉ tiêu của ngành du lịch Quảng Ninh đã vượt chỉ tiêu của cả năm, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã đặt chỉ tiêu cho ngành du lịch trong năm 2025 với mốc tăng trưởng mới.

Triển khai Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, với chủ đề công tác năm được xác định là "Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới", Quảng Ninh phấn đấu năm 2025, đón 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ ngành du lịch là 50.000 tỷ đồng.

Để quyết tâm hoàn thành mục tiêu này, ngành du lịch của tỉnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục tổ chức liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, trong vùng và liên vùng; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, phát triển các sân golf theo quy hoạch; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô; ..

Quảng Ninh đặt mục tiêu doanh thu ngành du lịch đạt mốc 50.000 tỷ đồng trong năm 2025 - Ảnh 1.

Quảng Ninh đang là điểm đến quốc tế nổi bật bởi giá trị cảnh quan và chất lượng dịch vụ. Trong ảnh là du thuyền 6 sao Grand Pioneers Cruise đầu tiên hoạt động trên vịnh Hạ Long của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận. Ảnh ĐVCC.

Quảng Ninh cũng tiếp tục đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của dịch vụ du lịch, nhất là sản phẩm: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển đảo, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh…, để Quảng Ninh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm.

Đối với công tác xúc tiến, bên cạnh các thị trường khách quốc tế truyền thống, tỉnh đang từng bước mở ra các thị trường mới; đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, các khu vực công nghiệp, sản xuất lớn.

Còn trong năm 2024, dù chịu ảnh hưởng nặng nề, bị thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra, nhưng ngành du lịch Quảng Ninh đã nỗ lực khắc phục hậu quả nên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá hình ảnh, môi trường du lịch của tỉnh được tăng cường tổ chức. Tiêu biểu như: Tổ chức đón đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023 -2024 đến Quảng Ninh; Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024; Tham dự Đại hội đồng EATOF tại Mông Cổ; Lễ hội Việt Nam tại thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản... 

Cùng với đó, Quảng Ninh đăng cai tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế như: Superfest Halong, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, Giải VnExpress Marathon Amazing Halong, Chung kết Hoa hậu sinh viên Việt Nam...

Quảng Ninh đặt mục tiêu doanh thu ngành du lịch đạt mốc 50.000 tỷ đồng trong năm 2025 - Ảnh 2.

Du khách quốc tế thích thú trải thăm quan trên vịnh Hạ Long. Ảnh: CTV.

Nhờ đó, năm 2024, Quảng Ninh đã thu hút trên 19 triệu lượt du khách, tăng 20% so với cùng kỳ, bằng 100% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Năm 2024, 10 thị trường khách quốc tế lớn đến Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức, Nhật. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ có nhiều khởi sắc với các đoàn tham quan của các tỷ phú, công ty, tập đoàn lớn.

Cũng trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đưa 41/67 sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác theo Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 6/8/2024. Trong đó, khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long 11 sản phẩm; Hạ Long 14 sản phẩm, Đông Triều 3 sản phẩm, Uông Bí 2 sản phẩm, Cẩm Phả 1 sản phẩm, Vân Đồn 14 sản phẩm, Cô Tô 7 sản phẩm, Tiên Yên 1 sản phẩm, Ba Chẽ 2 sản phẩm, Bình Liêu 2 sản phẩm, Đầm Hà 3 sản phẩm, Hải Hà 3 sản phẩm, Móng Cái 4 sản phẩm

Có thể thấy, bên cạnh khu vực vịnh Hạ Long, thì các sản phẩm mới có xu hướng mở rộng sang vùng Vịnh Bái Tử Long để thu hút du khách, nhằm kéo giãn lượng khách ra xa vùng Vịnh Hạ Long vốn có lượng khách tập trung lớn và có xu hướng quá tải cục bộ.

Quảng Ninh đặt mục tiêu doanh thu ngành du lịch đạt mốc 50.000 tỷ đồng trong năm 2025 - Ảnh 3.

Huyện Vân Đồn phát triển 14 sản phẩm du lịch mới trong năm 2024. Ảnh: QMG

Không chỉ khu vực vùng Vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn cũng cho thấy sức phát triển giàu tiềm năng khi có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã và sắp đưa vào hoạt động. Trong đó, phải kể đến là khu nghỉ dưỡng cao cấp Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn của Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (CEO Vân Đồn) đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2024. Tiếp đó là khu khách sạn Angsana Quan Lạn của Công ty CP Viglacera - Vân Hải. Các công trình đều có hệ thống phòng nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp và các dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn chất lượng 5 sao.

Bà Nguyễn Huyền Anh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng xác định phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, ngành Du lịch Quảng Ninh đang và tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh, các mô hình du lịch xanh mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người.

Thu Lê
Cùng chuyên mục