Quảng Ninh: “Dò dẫm” tìm đường cho xuất nhập khẩu tại Móng Cái
Theo đánh giá của các ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, hoạt động XNK qua địa bàn Móng Cái tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến xu thế quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang chuyển dần vào chính ngạch...
Trong thời gian qua, phía Trung Quốc dần siết chặt chính sách biên mậu nhằm kiểm soát và hạn chế hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là biện pháp kiểm dịch, bao gói, nhãn mác, truy xuất hồ sơ doanh nghiệp; đồng thời qua truy xuất hồ sơ doanh nghiệp sẽ quản lý và truy cứu trách nhiệm khi lô hàng xuất sang Trung Quốc vi phạm các chính sách về vệ sinh ATTP, chất lượng sản phẩm.
Khi được thông báo nếu doanh nghiệp xuất khẩu không có biện pháp khắc phục hoặc khắc phục không đảm bảo yêu cầu sẽ bị đưa vào danh sách đen hoặc hủy mã xuất khẩu thủy sản. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khó xuất qua các điểm xuất hàng. Không những thế, việc đáp ứng chính sách biên mậu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn chậm, dẫn đến việc các doanh nghiệp thiếu chủ động, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn...
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Móng Cái trong thời gian gần đây thường lý giải bức tranh ảm đạm này. Ấy là do "chính sách biên mậu phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi, cơ chế chính sách biên mậu chậm được tháo gỡ đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế của thành phố". Theo đó, "giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu giảm do hàng hóa tạm nhập tái xuất giảm mạnh về trị giá và lượng…; thị trường bất động sản chậm phục hồi…".
Với mặt hàng thủy sản, đặc biệt là tôm, cũng trong tình trạng khốn khó vì không XK được. Nhiều mặt hàng trước đây DN XK qua đường biên mậu không quá khắt khe thì nay tắc hoàn toàn. Đơn cử, nếu như trước đây tôm XK chỉ cần ướp đá trong thùng xốp, vừa tiết kiệm chi phí mà hiệu quả bảo quản cao, thì nay muốn XK tôm, ngoài việc cần mã vùng sản xuất, nuôi trồng thì sản phẩm phải được cấp đông mới đủ điều kiện. Tất nhiên chi phí để cấp đông tôm quá sức với nhiều DN, từ đó đẩy giá thành lên cao và rất khó cạnh tranh.
Nhiều giải pháp đã được Quảng Ninh đưa ra, như: Cải tạo nâng cấp mở rộng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Ka Long, cầu Bắc Luân II được thông quan; lối mở Km3+4 Hải Yên đi qua cầu phao tạm trên sông Ka Long đã đi vào hoạt động; hạ tầng dịch vụ logistic với 7 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 1 cảng biển quốc gia, 16 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu và trên 114.665m2 kho bãi, trong đó có 19 kho ngoại quan đảm bảo điều kiện bảo quản hàng hóa; hạ tầng giao thông kết nối hệ thống cảng, kho bãi đảm bảo, dịch vụ vận tải khai thác được cả đường bộ và đường biển; dịch vụ bốc xếp đáp ứng tốt yêu cầu thông quan hàng hóa; dịch vụ ngân hàng đáp ứng tốt yêu cầu thanh toán XNK... đã phần nào tạo động lực thúc đẩy hoạt động XNK phát triển.
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, bến bãi, cải cách thủ tục hành chính, thành phố cũng tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin với chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) về một số cơ chế chính sách trong hoạt động XNK; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chính sách biên mậu của Trung Quốc để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của phía Trung Quốc đối với hàng thủy sản nhập khẩu qua cặp chợ/lối mở biên giới; tăng cường mối liên hệ và gắn kết với doanh nghiệp theo hướng đơn giản, minh bạch, rút ngắn thời gian thông quan.
Quy tụ cộng đồng doanh nghiệp XNK để tổ chức cung cấp thông tin, chính sách, xu thế hợp tác thương mại Việt - Trung và các giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng với hàng rào phi thuế quan của phía Trung Quốc; quy hoạch và có phương án chuyển các kho ngoại quan về khu vực kiểm tra hàng hóa tập trung theo đề án của Cục Hải quan Quảng Ninh, nâng cao chất lượng hạ tầng dịch vụ logistic trên địa bàn thành phố.
Dù liên tục gặp những khó khăn trong năm 2019, tuy nhiên hoạt động XNK trên địa bàn TP Móng Cái đã vượt khó và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch XNK hàng hoá 11 tháng năm 2019 đạt 3.959 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.584 triệu USD; nhập khẩu đạt 2.375 triệu USD.