Quốc hội sẽ quyết gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và cao tốc Bắc - Nam
Theo chương trình, hôm nay 10/1, Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thành viên Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều mai (11/1), Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua 1 dự án luật và 4 nghị quyết. Nội dung này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.
Dự án luật duy nhất sẽ được biểu quyết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
4 nghị quyết gồm: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV.
Trong các phiên thảo luận tổ cũng như thảo luận trực tuyến vừa qua, nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao việc Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét các nội dung cấp bách theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu Chính phủ giải trình làm rõ trước khi quyết sách. Như gói tài khóa, tiền tệ cần được điều hòa, phân bổ thế nào cho trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, tiêu cực. Chính sách hỗ trợ tiền tệ, tài khoá ngoài việc cần tập trung vào ngành nghề có sức lan tỏa cao, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát để tiền hỗ trợ không chảy vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán.
Dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông làm thế nào để hấp thụ kịp hàng chục nghìn tỷ đồng từ gói hỗ trợ phục hồi khi gói này chỉ tập trung trong 2 năm 2022, 2023; tiến độ liệu có đảm bảo khi mục tiêu đặt ra cơ bản hoàn thành vào 2025 trong điều kiện rất nhiều yếu tố tác động như giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu… Nguyên tắc và tính pháp lý nhượng quyền thu phí để hoàn vốn cho Nhà nước cũng cần tính ngay từ bây giờ.