Quy tắc xuất xứ gây khó khăn cho hàng dệt may vào EVFTA

03/08/2019 08:08 GMT+7
Bên cạnh những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ngành dệt may đang gặp phải nút thắt về nguồn cung thiếu hụt, tức phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do này.

Đây là thách thức lớn được các đại biểu nêu ra tại tọa đàm “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/8.

Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ hiệp định EVFTA.

Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018, dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu là 5,6 tỉ USD. Đó là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm 2,02% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt mau của châu Âu. Điều đó cho thấy dự địa của thị trường châu Âu là rất lớn.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA sẽ tạo cơ hội và thuận lợi cho ngành dệt may. Thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được về 0%, trong đó có 77% hàng dệt may thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, EVFTA sẽ đặt ra những thách thức cho ngành dệt may Việt Nam với những yêu cầu mạnh mẽ về cải cách.

Đồng tình với những thách thức từ Hiệp định EVFTA cho ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận rằng, ngành dệt may đang gặp phải nút thắt về nguồn cung thiếu hụt, tức phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do này.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, vấn đề nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may là thách thức không chỉ cho ngành dệt may. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Hiện nay có khoảng 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp.

Với ngành dệt may, mặc dù không được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU, nhưng đây là ngành hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ, EVFTA cũng như nhiều hiệp định khác tạo động lực để thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước vào ngành dệt và dệt nhuộm.

Không chỉ gặp khó về nguồn cung thiếu hụt, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào công nghiệp nhuộm vải cũng đang gặp có khăn khi bị các địa phương từ chối vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Lo ngại ảnh hưởng tới môi trường, nhiều địa phương từ chối các dự án đầu tư công nghiệp nhuộm vải.

Trước lo ngại thu hút đầu tư nhiều vào các ngành nhuộm, dệt – vốn là các ngành gây ô nhiễm môi trường, ông Giang cho rằng các địa phương đã nhận thức đúng nhưng chưa đủ. Ông cũng mong các địa phương không nên quá lo lắng về vấn đề này, bởi hiện nay, các đối tác cũng đánh giá khắt khe về môi trường và không mua hàng nếu không đạt được các điều khoản về môi trường. Hiện nay, công nghệ xử lý nước thải của thế giới rất hiện đại, tiên tiến. Một số nhà máy tại Việt Nam đã xử lý nước thải đảm bảo ra môi trường.

“Hệ thống công nghệ xử lý nước thải của thế giới tiên tiến vô cùng. Chúng tôi đầu tư một nhà máy ở khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), đứng sát nhà máy không thấy mùi, không thấy nước có màu đậm như trước đây nữa. Chúng ta cũng đã đến giai đoạn tái sử dụng nguồn nước thải để sản xuất”, ông Giang nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, trước đây có một số trường hợp buông lỏng thực thi bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến các cơ quan quản lý cũng như xã hội luôn quan niệm dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường nên thấy dự án dệt nhuộm là từ chối.

Theo bà Trang, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xử lý đúng chỗ bất cập thay vì từ chối tất cả các dự án dệt nhuộm. Bà Trang nói: “Thế giới thay đổi rồi, công nghệ cũng khác rồi. Nếu nhìn công nghệ những năm 80-90 để nhìn cho ngành dệt nhuộm bây giờ thì không còn phù hợp nữa”.

Đại diện Trung tâm WTO cho rằng, cần phải có cái nhìn công bằng hơn đối với các dự án dệt nhuộm, xử lý những chỗ còn bất cập để tạo động lực phát triển.

Thời gian đợi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Bà Trang kiến nghị doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu hiệp định để biết được ưu đãi, tác động của các sản phẩm, ngành hàng của doanh nghiệp khi kinh doanh với thị trường EU. Bà Trang cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các cam kết ở hiệp định thành quy định pháp luật cụ thể để doanh nghiệp tuân thủ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm đưa danh sách những dòng thuế của từng mặt hàng. Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để đưa thông tin đến doanh nghiệp, qua đó giúp họ nắm bắt thông tin để có kế hoạch sản xuất cho mỗi sản phẩm.

Thu Trà
Cùng chuyên mục