Rượu vang Úc mắc kẹt, chất đống tại cảng Trung Quốc: Canberra tìm cách giải cứu

02/05/2021 11:51 GMT+7
Cơ quan hải quan Trung Quốc tiếp tục siết chặt hạn chế nhập khẩu rượu vang Úc khi căng thẳng Trung - Úc tiếp tục leo thang.

Tháng trước, hơn 8.000 lít rượu vang đỏ và rượu moscato từ Úc đã bị mắc kẹt tại cảng Thâm Quyến với lý do không ghi nhãn mác đầy đủ và hàm lượng phụ gia quá lớn.

Trước đó, hồi tháng 1, hơn 23.000 lít rượu vang Úc, bao gồm cả các loại rượu Penfolds cũng bị hải quan Thâm Quyến giữ lại. Đến tháng 2, tiếp tục có 11.000 lít rượu vang Úc mắc kẹt tại đây.

Việc giam giữ các lô hàng rượu vang của Úc trong các khu vực làm thủ tục hải quan đã diễn ra kể từ tháng 11 năm ngoái khi Bắc Kinh khởi động cuộc điều tra bán phá giá với rượu vang Úc. 

Đơn khiếu nại từ Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc cáo buộc chính phủ Úc đã đưa ra 40 chương trình trợ cấp, cho phép các nhà sản xuất rượu Úc cung cấp mặt hàng rượu giá rẻ vào thị trường Trung Quốc, tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Phản hồi lại khiếu nại, Bộ Thương mại Úc quyết định sẽ tiến hành điều tra 37 chương trình trợ cấp trên tổng số 40 chương trình nói trên.

Khiếu nại cũng bao gồm nội dung cáo buộc nhiều mặt hàng rượu vang được bán tại Trung Quốc với giá thấp hơn giá bán ra ở Úc. Theo đó, Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc yêu cầu Bộ Thương mại áp thuế 202,7% để bù đắp thiệt hại do hành vi bán phá giá rượu vang của các doanh nghiệp Úc từ năm 2015-2019. 

Sau khi kết thúc cuộc điều tra vào tháng 3, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá từ 116,2% đến 218,4% đối với rượu vang Úc trong các chai từ 2 lít trở xuống. 

Rượu vang Úc mắc kẹt, chất đống tại cảng Trung Quốc: Canberra tìm cách giải cứu - Ảnh 1.

Rượu vang Úc mắc kẹt, chất đống tại cảng Trung Quốc: Canberra tìm cách giải cứu

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Úc, chiếm khoảng 39% tổng các lô hàng xuất khẩu rượu vang trong 9 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của hiệp hội rượu Wine Australia.

Tác động tổng hợp từ mức thuế quan chống bán phá giá và việc các lô hàng mắc kẹt do thủ tục hải quan đã làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu rượu vang Úc sang thị trường Trung Quốc. 

Hiệp hội ngành công nghiệp rượu vang của Úc, Wine Australia, cho biết trong một báo cáo tuần này rằng chỉ có 12 triệu AUD (9,3 triệu USD) rượu vang đã vào được thị trường Trung Quốc trong khoảng thời gian tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Con số này giảm mạnh từ mức 325 triệu AUD cùng kỳ năm trước.

Dù Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rượu hàng đầu của Úc, giá trị nhập khẩu rượu của Trung Quốc đại lục đã giảm 24% trong năm tài khóa 3/2020-3/2021, xuống còn 869 triệu AUD.  Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu rượu vang sang Anh (461 triệu AUD) - thị trường lớn thứ hai của Úc.

Theo Wine Australia, trong khi khối lượng xuất khẩu rượu vang Úc sang Trung Quốc giảm kỷ lục, thì khối lượng xuất khẩu sang Anh đã tăng 33% trong cùng kỳ 12 tháng.

Giám đốc điều hành Wine Australia Andreas Clark cho biết mức tăng trưởng xuất khẩu sang châu Âu đã đạt giá trị cao nhất trong một thập kỷ. Ông kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ tăng trưởng, qua đó bù đắp phần nào sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết các cơ quan chức năng đang tham khảo ý kiến của ngành công nghiệp rượu vang Úc cũng như chính quyền các bang và vùng lãnh thổ về thuế chống bán phá giá và sự chậm trễ thông quan tại cảng Trung Quốc.

“Chúng tôi đang xem xét tất cả các cơ chế hiện có để giải quyết những vấn đề này, bao gồm thông qua các quy trình song phương và kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuộc. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là làm việc trực tiếp với Trung Quốc để đưa ra giải pháp”, người phát ngôn cho hay.

Australia vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có nộp đơn khiếu nại về thuế chống bán phá giá rượu vang Úc của Trung Quốc lên WTO hay không. Trước đó, Canberra đã làm tương tự khi Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá 80,5% đối với lúa mạch của Úc vào tháng 5/2020.


NTTD
Cùng chuyên mục