Sasco: Vay nợ gấp đôi, cổ phiếu "cộng thêm" hơn 30% giá trị trong nửa đầu năm
CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã CK: SAS), doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất Việt Nam, vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận sau thuế đạt gần 174 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, Sasco của ông Jonathan Hạnh Nguyễn lãi ròng là 257 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỗi ngày Sasco thu về gần 8 tỷ đồng doanh thu
Cụ thể, doanh thu thuần quý II/2019 đạt 701,6 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đạt 1.432 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân mỗi ngày Sasco thu về gần 8 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động bán hàng miễn thuế tiếp tục là nguồn thu chính cho Sasco, nơi công ty mẹ chồng Tăng Thanh Hà là cổ đông lớn, với doanh thu trong quý II hơn 325 tỷ đồng. Doanh thu hàng hóa tại trung tâm thương mại và các chi nhánh khác gần 92 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phòng chờ gần 122 tỷ đồng và còn lại là doanh thu các hoạt động khác.
Giá vốn hàng bán trong quý II/2019 xấp xỉ so cùng kỳ, chiếm 352 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận gộp của Công ty tăng 24%, ghi nhận gần 350 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt gần 50%, trong đó dịch vụ phòng chờ VIP tại sảnh sân bay là mảng mang lại biên lợi nhuận cao nhất 74% năm 2019 và 81% năm 2018, doanh thu tăng gần 25% còn mảng dịch vụ bán hàng miễn thuế ở sân bay mặc dù chiếm hơn một nửa doanh thu nhưng biên lợi nhuận khoảng 27%.
Báo cáo tài chính quý II/2019 của Sasco (tỷ đồng)
Quý II/2019 cũng ghi nhận khoản thu hơn gần 107 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 38% so với kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là nhờ ghi nhận tăng các khoản lãi tiền gửi, cổ tức được chia, bên cạnh đó là việc không ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá như trong quý 2/2018.
Chi phí tài chính ghi nhận âm hơn 2 tỷ đồng do trong kỳ của Sasco hoàn nhập lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá cuối quý, trong khi cùng kỳ chi phí tài chính hơn 7,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong chi phí tài chính, khoản chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng 183% so với quý II/2018. Nửa đầu năm, chi phí lãi vay của doanh nghiệp lên tới con số gần 1,4 tỷ đồng, tăng gần 250% so với cùng kỳ.
Quý II cũng ghi nhận sự tăng trưởng về các khoản mục chi phí của doanh nghiệp như chi phí bán hàng tăng 2% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới gần 100% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nhân viên quản lý tăng hơn 47%, bên cạnh đó là ghi nhận chi phí dự phòng khoản phải thu khó đòi hơn 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 14 tỷ đồng.
Nếu tính trong 6 tháng, 2 khoản mục chi phí này tăng lần lượt 32% và 37% và có tổng chi phí xấp xỉ 437 tỷ đồng.
Vay nợ ngân hàng tăng gấp đôi, dự phòng phải thu khó đòi hơn 300 tỷ
Dù kết quả kinh doanh năm 2018 tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng của Sasco, song báo cáo tài chính quý II/2019 của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục ghi nhận số tiền 312 tỷ đồng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các công ty và đối tác liên quan.
Trong đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi xấp xỉ 68 tỷ đồng và dự phòng phải thu dài hạn khó đòi là trên 244 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của Sasco trên 2.337 tỷ đồng, trong khi con số đầu năm là 2.213 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 1.500 tỷ đồng, tài sản dài hạn xấp xỉ 837 tỷ đồng.
Về nợ, nợ phải trả của doanh nghiệp cuối kỳ tăng từ 675 tỷ đồng lên 740 tỷ do Sasco của ông Jonathan Hạnh Nguyễn tăng khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Cụ thể, Sasco của bố chồng Tăng Thanh Hà tích cực vay nợ trong nửa đầu năm 2019 với gần 118 tỷ đồng, gần gấp đôi con số 59 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khoản vay mới phát sinh tại Vietinbank chi nhánh 7 với số tiền trên 59 tỷ đồng. Khoản vay này, Sasco dùng để bổ sung vốn lưu động với lãi suất cho vay theo từng thời điểm nhận nợ, thời gian vay 3 tháng. Ngày đáo hạn 15/8/2019.
Khoản vay khác của bố chồng Tăng Thanh Hà, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, tại Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh Thủ Đức với số tiền lên tới 58,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với trên 59 tỷ hồi đầu năm. Khoản nợ này sẽ đáo hạn vào ngày 24/9 tới đây
Thắng lớn từ giá cổ phiếu
CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) lâu nay được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay. Các nguồn thu chính của công ty đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay vừa từng bước mở rộng sang dịch vụ cung ứng suất ăn đường sắt, resort.
Đầu năm 2017, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên, bố mẹ chồng Tăng Thanh Hà đã mua và sở hữu hơn 60,3 triệu cổ phiếu Sasco, tương đương 45,3% vốn điều lệ Sasco. Hiện ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang là chủ tịch HĐQT Sasco và bà Lê Hồng Thuỷ Tiên đang là thành viên HĐQT không điều hành tại Sasco.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của Sasco là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang sở hữu hơn 49%, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của nhà bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 33,3 triệu cổ phiếu, tương đương 24,98% vốn điều lệ. Hai công ty con của IPP Group là Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) cũng đang lần lượt nắm giữ 20,5 triệu cổ phiếu, tương đương 15,39% và 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,93% tại Sasco.
Như vậy, có thể thấy cơ cấu cổ đông ở Sasco khá cô đặc với phần lớn cổ phiếu thuộc hai nhóm cổ đông lớn nắm giữ.
Với giá giao dịch ngày 19/7 là 29.100 đồng/cổ phiếu, gia đình nhà chồng Tăng Thanh Hà đang sở hữu khoảng 1.755 tỷ đồng tài sản chứng khoán tại Sasco.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Thủy Tiên - bố mẹ chồng Tăng Thanh Hà
So với 1 năm trước đây, số tài sản này của nhà chồng Tăng Thanh Hà đã tăng thêm khoảng 115 tỷ đồng. Còn nếu so với đầu năm nay, giá trị cổ phiếu SAS đã tăng đến 33%. Đặc biệt, trong những ngày gần đây SAS đang ở mức giá cao nhất trong vòng 3 năm kể từ khoảng giữa năm 2016 tới nay; tăng hơn 34% kể từ mức đáy 52 tuần xác lập hồi đầu tháng 12/2018.
Điều này đồng nghĩa với việc tài sản của gia đình chồng Tăng Thanh Hà đã tăng thêm 433 tỷ đồng từ hơn 60 triệu cổ phiếu SAS mà gia đình này đang nắm giữ.
Ngoài ra, thể hiện trong báo cáo tài chính quý II/2019, trong kỳ vừa qua Sasco đã chi trên 193 tỷ đồng cổ tức bổ sung năm 2017 và đợt cuối năm 2018 cho cổ đông. Trong đó, các công ty của gia đình Hà Tăng nhận về trên 90 tỷ cổ tức trong nửa đầu năm nay.
Mới đây, Sasco đã quyết định mua lại 113.600 cổ phiếu SAS từ cán bộ công nhân viên nghỉ việc trước thời hạn cam kết để làm cổ phiếu quỹ. Giao dịch thực hiện ngoài hệ thống nên sẽ không ảnh hưởng đến biến động trên sàn của SAS; mức giá giao dịch được xác định bằng mức giá bán ưu đãi cho nhân viên tại thời điểm cổ phần hoá. Dự kiến ngày giao dịch từ 10/7 đến 7/8/2019.